Mãn nhãn với vườn cây ăn quả hữu cơ
Từng nghe nói về sản xuất nông nghiệp hữu cơ (còn gọi là sản xuất hữu cơ) và vào vườn cây ăn quả sản xuất hữu cơ của ông Bùi Văn Quyển, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tôi thật sự mãn nhãn trước những hàng sầu riêng, mít Thái sum sê xanh tốt như lạc vào mê cung. Vườn cây 20 ha của ông Quyển đang thu hút sự quan tâm của người dân trong vùng và đây còn là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Nghe chủ vườn bàn về sản xuất hữu cơ
Trong một lần làm việc với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Sâm, tôi được biết huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả an toàn ở xã Ya Ly. Hóa ra, vườn cây ăn quả ở xã Ya Ly tôi từng ngắm và được huyện quan tâm hỗ trợ xây dựng là mô hình vườn cây ăn quả hữu cơ của ông Bùi Văn Quyển.
Vào vườn cây ăn quả của ông Quyển, tôi như lạc vào mê cung. Cây trồng ngay hàng thẳng lối, nhìn ngút tầm mắt, không thấy điểm dừng. Hai loại cây trồng chủ lực trong vườn được ông Quyển trồng là sầu riêng và mít thái. Trong vườn, lại có xen kẽ bơ, ổi và cam. Ổi, cam, ông Quyển nói trồng để thử nghiệm và ăn chơi. Tuy nhiên, ổi, cam trong vườn quả to đều và bắt mắt. Xin một quả cam để nếm thử, tôi cảm nhận vị ngọt và chua vừa phải. Chất lượng cam của ông không thua kém cam trong các siêu thị.
Thăm vườn, tôi thật sự “đã mắt” với những hàng mít Thái Lan quả treo lủng lẳng khắp cành. Quả mít còn mấy tháng nữa mới đến ngày thu hoạch, nhưng to đều và nặng khoảng 5-6 kg/quả. “Quả mít đến khi thu hoạch (khoảng tháng 2-3) đạt 9 kg trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Sầu riêng năm 2021 sẽ cho bói” - ông Quyển cho biết.
Không như một số vườn mít, chủ vườn thường để quả phân bố ở thân, một số cành lớn và có nhiều lứa quả khác nhau, vườn mít ông Quyển cây phân bố đều khắp các cành và chỉ để một lứa quả. Lý giải vấn đề này, ông Quyển cho hay là để quả mít trên cành lớn đều, không tập trung vào một vài cành dễ làm gãy cành; quả để cùng một lứa là nhằm thu hoạch và bán một lần cho thuận lợi.
|
Để có một vườn cây ăn quả sung mãn, loại nào ra loại nấy đều tăm tắp, ông Quyển cho rằng, ông phải lặn lội đi nhiều tỉnh như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre... để học hỏi kinh nghiệm. Qua học hỏi mỗi nơi một ít, ông chắt lọc kinh nghiệm và áp dụng cho việc trồng cây ăn quả hữu cơ của gia đình mình.
Về cây giống, ông vào tại các cơ sở chuyên sản xuất cây giống ăn quả có uy tín ở miền Nam tự chọn từng cây giống. “Cây ăn quả là cây lâu năm, việc lựa chọn cây giống hết sức quan trọng. Năng suất, chất lượng cây ăn quả như thế nào, một phần do chất lượng cây giống quyết định. Nếu không lựa chọn cây giống tốt, sau này dễ bị thua thiệt và hối không kịp” - ông Quyển bộc bạch.
Trong việc lựa chọn cây giống, ông chỉ chọn những cây giống mạnh khỏe và các loại cây cho quả có giá trị, chất lượng đang được thị trường ưa chuộng và dễ tiêu thụ. Ví như sầu riêng Musang King (Malaysia), Moonthong (Thái Lan); mít là mít Thái Lan có năng suất cao, múi mít thơm, ngon, ngọt...
“Mô hình gia đình lựa chọn sản xuất là mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt Israel cho toàn bộ diện tích cây ăn quả. Phân bón cho vườn cây ăn quả được gia đình dùng phân chuồng (nhà ông nuôi hơn chục con bò) trộn với vỏ cà phê và chế phẩm sinh học tricoderma ủ cho phân hoai mục; chế phẩm EM (Effective Microorganisms) cung cấp vi sinh vật có lợi, tăng cường khả năng quang hợp, kích thích nảy mầm, ra hoa quả và làm tăng khả năng đề kháng và tính chống chịu của cây trồng; chất cải tạo đất của Công ty TNHH Hữu cơ Thuận Thiên; đạm cá (ông mua cá cơm lòng hồ thủy điện Ya Ly ủ làm nguồn đạm tưới); phân hữu cơ của Bỉ, Hà Lan... sản xuất” - ông Quyển cho biết.
Trong sản xuất, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm hay từ một số chủ vườn cây ăn quả có tiếng ở các địa phương khác, ông còn lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và xây dựng cho mình một quy trình sản xuất riêng. Chính vì vậy, dễ lý giải vườn cây ăn quả của ông lúc nào cũng xanh tốt, cành lá sum sê tỏa đều các hướng.
Hướng đi mới
Qua tìm hiểu từ các tài liệu khoa học, tôi được biết rau quả hữu cơ còn có chứa nhiều chất chống ôxy hóa có tác dụng chống các bệnh ung thư hơn các loại rau quả canh tác theo phương thức thông thường. Việc ông Quyển lựa chọn sản xuất hữu cơ là xu thế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Không chỉ đi đầu trong sản xuất hữu cơ trên vườn cây ăn quả của mình, ông Quyển còn vận động các thành viên trong Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ (SXNN&DV) Ya Ly do ông làm giám đốc cũng sản xuất hữu cơ. Tổng diện tích cây ăn quả của Hợp tác xã là 30 ha. Trong quá xây dựng thương hiệu, Hợp tác xã xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho các thành viên cùng áp dụng.
Bằng ý chí và tâm huyết, đến nay, sản phẩm trái cây trong vườn ông Quyển bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP và đang xây dựng sản phẩm theo OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly khẳng định: Đất đai, khí hậu ở xã phù hợp với nhiều loại cây ăn quả. Phát huy tiềm năng, xã, huyện xác định cây ăn quả là một trong những cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Với quyết tâm chính trị, các cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho ông Quyển cũng như Hợp tác xã SXNN&DV Ya Ly xây dựng sản phẩm OCOP. Dự kiến trong năm 2021, xã tạo điều kiện cho ông Quyển đưa trái cây sản xuất hữu cơ của mình thi sản phẩm OCOP cấp huyện và tỉnh.
Trang trại cây ăn quả sản xuất hữu cơ của ông Quyển còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực ở địa phương. Trao đổi với tôi, A Ngất (làng Tum, xã Ya Ly) chăm sóc vườn cây ăn quả cho ông Quyển tâm sự: Từ nhiều năm nay, mình chăm sóc vườn cây cho anh Quyển. Lao động ở đây làm ngày 8 giờ như công nhân công nghiệp. Qua làm công, mình học được nhiều kinh nghiệm chăm sóc vườn cây. Dự kiến sau khi học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tích lũy vốn, mình sẽ đầu tư trồng cây ăn quả trong vườn nhà theo mô hình hữu cơ như anh Quyển.
Mãn nhãn với vườn cây ăn quả hữu cơ ông Quyển, chúng tôi tin trái cây an toàn, sạch chất lượng của ông Quyển và Hợp tác xã SXNN&DV Ya Ly sẽ có điều kiện vươn xa. Đây đây thật sự là mô hình hay, hướng đi mới giúp cho nhiều nông dân học tập và mở rộng sản xuất ở địa phương./.
Bài và ảnh: VĂN NHIÊN