Lại chuyện bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh
Trong Diễn đàn “Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch” vừa được UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức, dược sĩ Đào Kim Long - người phát hiện ra sâm Ngọc Linh từ năm 1973 trăn trở, “hiện nay, sâm Ngọc Linh trên thị trường có rất nhiều các loại giá khác nhau, thật giả lẫn lộn khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt được”. Do đó, ông mong muốn trong những năm tới, nhân dân, cán bộ khoa học và các doanh nghiệp cố gắng giúp đỡ để cây sâm Ngọc Linh phát triển tốt hơn nữa, có sản phẩm nhiều hơn nữa để người dân trong nước cùng được dùng sâm Ngọc Linh thật, giá trị thật.
Rõ ràng, trăn trở của người phát hiện ra sâm Ngọc Linh và nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cũng như chuỗi hoạt động liên quan đến việc quảng bá, giới thiệu sâm Ngọc Linh… đã một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng thật, giả lẫn lộn của loài dược liệu được xem là “Quốc bảo” này.
Thực tế bấy lâu nay, thị trường sâm Ngọc Linh có nhiều mức giá khác nhau, mỗi ki lô gam chênh nhau vài chục triệu đồng. Ham rẻ, nhiều người lựa chọn mua hàng ở những nơi chào bán giá rẻ, thông thường là các cá nhân nhỏ lẻ rao bán trên facebook, zalo hoặc mai mối qua người quen mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kiểm định chất lượng. Thậm chí có cả tình trạng một số công ty cũng mạo danh sâm Ngọc Linh để bán sâm và các sản phẩm từ sâm.
Tuy nhiên với đa số người tiêu dùng bằng mắt thường khó mà phân biệt được sâm Ngọc Linh mình mua có phải là hàng thật, hay là hàng giả, hoặc vừa giả vừa thật. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.
Cũng tại Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với quảng bá du lịch năm 2022 do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức, để giúp người dân và du khách phân biệt, Cục Quản lý thị trường Kon Tum đã trưng bày sâm Ngọc Linh thật và loại củ tam thất (rất giống sâm Ngọc Linh) để người tiêu dùng nhận biết. Nhiều người khi được giải thích, phân tích những điểm giống, khác nhau đã không khỏi ngạc nhiên và bày tỏ bấy lâu nay đã nhiều lần mua phải sâm giả mà không hề hay biết. Cũng may là “tiền mất” nhưng chưa đến mức phải “tật mang”.
Tuy nhiên, số người được tận mắt nhìn thấy sâm Ngọc Linh và được nghe phân tích sự giống nhau, khác nhau của sâm Ngọc Linh giả và thật không nhiều. Đặc biệt là người tiêu dùng ở các tỉnh, thành khác trong nước chưa tìm hiểu đầy đủ thông tin về nhận biết hàng thật, hàng giả và chưa tìm đến các tổ chức được cấp giấy phép kinh doanh buôn bán về các sản phẩm sâm củ Ngọc Linh Kon Tum và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả, nhất là sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Khi thật, giả khó phân biệt thì người tiêu dùng dễ bị mất niềm tin. Họ hoặc sẽ chọn loại giá rẻ, hoặc sẽ không mua mà lựa chọn sản phẩm khác có những tác dụng gần tương tự với sâm Ngọc Linh. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thương hiệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.
Không để tình trạng thật giả lẫn lộn, ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng là vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu HĐND tỉnh khóa XII đưa ra bàn bạc, thảo luận tại Kỳ họp lần thứ II. Tỉnh cũng đã có các chỉ đạo và triển khai các giải pháp nhằm từng bước làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
|
Không vì lợi ích trước mắt mà bỏ đi lợi ích lâu dài, lợi ích chung của cả cộng đồng địa phương, mỗi người cần ý thức xây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển. Để làm được điều đó, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum là hết sức cần thiết. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Kon Tum, doanh nghiệp, các cơ sở, người dân làm ăn chân chính nên tổ chức nhiều đợt trưng bày cùng lúc sâm Ngọc Linh thật và sâm Ngọc Linh giả để người tiêu dùng đối chứng, tăng khả năng nhận biết, phân biệt. Đây cũng là giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng để trục lợi, từ đó, góp phần bảo vệ giá trị cho thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Trăn trở của người phát hiện ra sâm Ngọc Linh từ 50 năm trước cũng là trăn trở chung của những người dân Kon Tum, những người sinh sống ở vùng đất Ngọc Linh, thủ phủ của “Quốc bảo”. Nhiều giải pháp đã được triển khai, chỉ mong sao tình trạng “sâm Ngọc Linh trên thị trường có rất nhiều các loại giá khác nhau, thật giả lẫn lộn khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt được” sớm được loại bỏ.
Hà Nam