Kon Rẫy: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Thời gian qua, 2 xã Đăk Kôi, Đăk Tờ Re trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã được Ban Dân tộc tỉnh phân bổ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len. Từ nguồn vốn này, các xã đầu tư xây dựng những công trình thiết thực, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Khu sản xuất của thôn 9, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy có diện tích khoảng 15ha. Trước đây, chưa có đường đi vào khu sản xuất, 81 hộ dân tại thôn 9 phải tự mở đường. Con đường đất nhỏ hẹp với một bên là đồi núi, một bên là vực sông gây nhiều khó khăn, nguy hiểm trong quá trình đi lại cũng như vận chuyển nông sản.
Ông A Nu - già làng thôn 9 nhớ lại: Khi chưa làm đường, mưa gió lầy lội lắm, mọi người phải đi bộ hoặc quấn xích vào bánh xe máy để lên rẫy. Hồi đó, phải chở hoặc cõng từng bao mì từ rẫy về thôn, rất vất vả trong việc vận chuyển nông sản.
Trước thực trạng trên, cuối năm 2020, khi được phân bổ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len, UBND xã Đăk Kôi đầu tư, xây dựng công trình đường giao thông nông thôn thôn 9. Tuyến đường được bê tông với chiều dài 472,37m, rộng 3,5m được xây dựng với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng. Con đường hoàn thành, người dân thôn 9 nói riêng và những hộ sản xuất trong khu vực thôn 9 nói chung rất vui mừng.
Lái xe máy trở về sau một ngày làm việc, anh A Bả (thôn 9) phấn khởi: Mình có 2 sào mì trồng trong khu sản xuất. Từ khi làm đường, việc đi vào rẫy dễ dàng hơn. Hơn thế, xe tải có thể vào tận nơi nên việc vận chuyển, mua bán rất thuận tiện, bà con mình không bị ép giá nên mừng lắm.
|
Dẫn đoàn đi thực nghiệm công trình, ông A Câu – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho biết, đây là con đường chính đi vào các điểm sản xuất của người dân. Từ khi có con đường, việc đi lại của người dân an toàn hơn. Cùng với đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng khó.
Cũng như công trình trên, công trình kè chống sạt lở và hệ thống thoát nước Trường THCS Đăk Tờ Re (thôn Kon Dơ Xinh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) cũng mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông A Paoh – Trưởng thôn Kon Dơ Xinh, xã Đăk Tờ Re cho biết, trước đây, khi chưa có hệ thống kè, vào mùa mưa, đất phía trên Trường THCS Đăk Tờ Re sạt lở, trôi xuống phía dưới nhà dân cũng như xuống phía Trường Tiểu học Ka Pa Kơ Lơng. “Nhiều hộ sinh sống phía dưới bị ảnh hưởng. Đặc biệt, mỗi khi sạt lở đất còn ảnh hưởng đến việc đi lại, học tập của các em học sinh” – ông Paoh nhấn mạnh.
Cuối năm 2020, khi được phân bổ nguồn vốn, xã Đăk Tờ Re đã làm chủ đầu tư, đầu tư công trình kè với tổng chiều dài 72m, rãnh thoát nước, giếng khoan. Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã khắc phục được tình trạng sạt lở mái taluy.
Cô Nguyễn Thị Tài Thọ - Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Tờ Re cho biết: Có bờ kè và hệ thống mương, nhà trường vơi nỗi lo hư hỏng khuôn viên trường. Giếng khoan đã giúp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, phục vụ tốt nhu cầu học tập và giảng dạy của học sinh và giáo viên trong trường.
|
Ngoài các dự án trên, ông Đào Đức Tiến – Trưởng phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy nói rằng, hiện nay, Phòng đã rà soát, tổng hợp danh sách thôn đặc biệt khó khăn để gởi về Ban Dân tộc tỉnh để có cơ sở hoạch định, áp dụng, tổ chức thực hiện các chính sách có liên quan trong giai đoạn 2021-2025.
Cùng với các công trình tại huyện Kon Rẫy, từ năm 2020 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phân bổ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len đầu tư 10 công trình, dự án tại 10 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Các công trình được đầu tư đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hoài Tiến