Kon Rẫy đầu tư hạ tầng, tạo đà phát triển du lịch
Trong các hoạt động triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện Kon Rẫy tập trung phát triển mạnh kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, nhiều công trình sẽ được đầu tư mở rộng để thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Không như một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển kinh tế ở huyện Kon Rẫy gặp những khó khăn nhất định do đất dốc, bạc màu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản xuất, tiềm năng cho phát triển không nhiều. Chính vì vậy, việc xác định tiềm năng thế mạnh của địa phương và khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có dựa trên lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương là một “bài toán khó” cần có “lời giải độc đáo” là hết sức cần thiết để từng bước đưa kinh tế- xã hội của huyện Kon Rẫy phát triển bền vững.
Nhận thức rõ vấn đề nêu trên, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Rẫy huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa bàn như đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện; phát triển các loại cây hàng hóa và xây dựng nhà máy chế biến nông sản; thu hút du lịch... nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tăng thu ngân sách và tạo nền tảng vững chắc nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế- xã hội.
|
Về hạ tầng giao thông, phải thừa nhận rằng, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Kon Rẫy ngày càng phát triển, đặc biệt là tuyến QL24 đi qua huyện đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của huyện Kon Rẫy, nối thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy đi Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi và cảng biển Đà Nẵng, Dung Quất. Bên cạnh đó, các tuyến Tỉnh lộ 677, huyện lộ đến trung tâm các xã, thị trấn đã được cứng hóa phục vụ nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt 2 mùa.
Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy luôn chú trọng đầu tư xây dựng các hạ tầng kỹ thuật xã hội khác nhằm phục vụ cho sản xuất và đáp ứng đời sống của người dân địa phương. Theo đó, các công trình thủy lợi được quy hoạch và đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% xã, thị trấn trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh luôn được quan tâm và đầu tư. Hệ thống cấp nước đô thị phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh luôn được đảm bảo với nhà máy cấp nước trung tâm huyện lỵ với công suất 4.000m3/ngày/đêm và hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo cung ứng nước cho gần 4.000 hộ…
Về lĩnh vực du lịch, huyện Kon Rẫy cuốn hút du khách bởi những nét hoang sơ tự nhiên và sự đa dạng văn hóa. Từ thành phố Kon Tum về với Kon Rẫy trên tuyến QL24, dọc hai bên đường là những thôn làng của người DTTS với mái nhà rông cao vút mang màu sắc huyền bí nằm hài hoà với nét hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Địa hình đồi núi dốc được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn tạo cho Kon Rẫy khí hậu ôn hòa đặc trưng. Bà con tại các làng đồng bào DTTS còn gìn giữ được các lễ hội truyền thống như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng máng nước, lễ đâm, bắn trâu, lễ mừng nhà rông, lễ ăn con dúi...
Ngoài các danh lam thắng cảnh tự nhiên, di sản văn hóa, Kon Kẫy còn nổi tiếng với những địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc như: Chiến thắng đồn Kon Braih, khu căn cứ Huyện ủy H16… Những điểm đến thú vị như: Thác nước Đăk Kôi thuộc địa phận thôn 1, xã Đăk Kôi với tổng diện tích trên 5ha; thác 3 tầng tại thôn 7, xã Đăk Kôi với tổng diện tích trên 10ha. Đứng trên thác thỏa sức ngắm những cánh đồng ruộng lúa và đi lên hang động nơi che giấu cán bộ trong thời chiến.
Ngoài ra còn có thác Đăk Snghé nằm giữa địa phận xã Đăk Tơ Lung và thị trấn Đăk Rve có diện tích khoảng 10,5ha, cách QL24 4km, cách trung tâm hành chính huyện 10,4km; lòng hồ thủy điện Đăk Pne (thôn 1, xã Đăk Pne) với tổng diện tích trên 5ha. Địa hình nơi đây rất đẹp, mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh và được bao quanh bởi các khu rừng nguyên sinh, nơi đây rất thuận lợi cho việc chèo thuyền, câu cá, ngắm cảnh thiên nhiên…
Ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, phát triển du lịch, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, huyện Kon Rẫy quan tâm huy động, bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để xây dựng các công trình hạ tầng du lịch then chốt; tích cực thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng và kinh doanh du lịch. Mới đây, tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ của HĐND huyện giữa tháng 3/2021, HĐND huyện Kon Rẫy đã thông qua 3 nghị quyết quan trọng, đó là: Nghị quyết số 10/NQ- HĐND, về chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp đường ĐH 22, có tổng chiều dài 9,54 km, từ thị trấn Đăk Rve đi Đăk Pne, với tổng vốn 50 tỷ đồng; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện KBang, tỉnh Gia Lai, với tổng vốn 150 tỷ đồng; Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, về chủ trương đầu tư dự án cầu qua sông Đăk Bla tại thôn 12, xã Đăk Ruồng với tổng vốn 50 tỷ đồng. Các nghị quyết trên sẽ được thực hiện trong giai đọan 2021-2025.
Dương Lê