Kon Plông nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra
Cùng với các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 năm 2020, tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng liên tiếp hứng chịu các cơn bão (số 5, số 6, số 9, số 12), áp thấp nhiệt đới, gây lũ lụt, sạt lở đất, thiệt hại lớn về kinh tế, sản xuất, đời sống và sinh hoạt của người dân.
Theo thống kê, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong 2 tháng qua đối với các công trình cơ sở hạ tầng, sản xuất nông lâm nghiệp, nhà cửa, trường học... trên địa bàn huyện Kon Plông ước khoảng 53 tỷ đồng; trong đó thiệt hại do bão số 5 là 400 triệu đồng, bão số 6 và áp thấp nhiệt đới khoảng 9,67 tỷ đồng, thiệt hại do bão số 9 khoảng 38 tỷ đồng, thiệt hại do bão số 12 trên 4,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND các xã, thị trấn, các cơn bão lũ nói trên đã làm hơn 20 điểm bị sạt lở với 251 hộ bị ảnh hưởng, 1 nhà màng khu công nghệ cao, 9 kho lúa của nhân dân với tổng thiệt hại khoảng 3,535 tỷ đồng. Về giao thông, tuyến đường Đông Trường Sơn, Tỉnh lộ 676 và các tuyến đường liên thôn ở các xã bị sạt lở phía ta luy âm, dương với khối lượng khoảng 364.281 m3; 4 ngầm, 5 bi cống, 2 cầu treo dân sinh bị cuốn trôi hoàn toàn và 18 cầu treo dân sinh khác bị nghiêng, 2 mố cầu cứng sạt lở với tổng thiệt hại khoảng 29,099 tỷ đồng. Về trường học, có 12 trường bị tốc mái, 12 trường có nguy cơ sạt lở cao với thiệt hại khoảng 3,815 tỷ đồng. Về nhà văn hóa, có 3 nhà bị tốc mái và hư hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Về thủy lợi, 20 công trình bị hư hỏng, bồi lấp thiệt hại khoảng 2,71 tỷ đồng. Về nước sinh hoạt, 8 công trình bị hư hại, thiệt hại khoảng 566 triệu đồng. Về sản xuất, nước lũ làm ngập, cuốn trôi, sạt lở 127 ha lúa ruộng, lúa rẫy, hoa màu, cuốn trôi 1,42 ha đẳng sâm, 4 con trâu, tổng thiệt hại khoảng 5,812 tỷ đồng. Về các công trình điện và viễn thông, thiệt hại ước tính gần 4 tỷ đồng.
|
Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông chia sẻ: Huyện luôn quan tâm chỉ đạo các địa phương lên phương án cụ thể để chủ động phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm làm giảm những thiệt hại về con người và tài sản của nhân dân, tài sản Nhà nước ở mức thấp nhất. Chính vì thế, trong các đợt bão lũ vừa qua, các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả. Sau các đợt bão lũ, lãnh đạo huyện Kon Plông kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đến nay, đã di dời đến nơi an toàn 47 hộ dân (6 hộ thôn Đăk Pông xã Măng Bút; 7 hộ thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng; 18 hộ thôn Xô Luông, 3 hộ thôn Tu Rét, 2 hộ thôn Đăk Lai của xã Đăk Nên; 3 hộ thôn Vi Glơng, 1 hộ thôn Vi Chring, xã Hiếu; 5 hộ thôn Điek Lò, 1 hộ thôn Điek Nót, xã Ngọk Tem).
UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo UBND các xã Hiếu, Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọk Tem, Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen vận động nguồn lực nhân dân, phương tiện tại chỗ, lực lượng xung kích và gia đình khắc phục hậu quả, di dời các hộ dân nơi có nguy cơ sạt lở cao đến vùng an toàn. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương cơ sở khắc phục đạt 100% số lượng nhà ở của dân bị hư hại trong các đợt bão lũ vừa qua. Đặc biệt, đối với sản xuất, UBND các xã vận động nguồn nhân lực tại chỗ và gia đình tranh thủ thu hoạch lúa và các hoa màu khác, đến nay cũng đạt 100% khối lượng công việc.
UBND huyện Kon Plông cũng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan huy động nhân lực, thiết bị, máy móc khẩn trương khắc phục các tuyến đường liên xã, thôn; Tỉnh lộ 676 từ thị trấn Măng Đen- Măng Cành- Đăk Tăng- Đăk Ring - Đăk Nên; đường Đông Trường Sơn từ xã Hiếu- Ngọc Tem...; đến nay đã được thông tuyến hoàn toàn, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân.
Chính quyền các xã, thị trấn cũng chủ động vận động nguồn nhân lực tại chỗ, đội xung kích nạo vét kênh mương, gia cố tạm lại những công trình có nguy cơ sạt lở để phục vụ sản xuất; vận động nhân dân nạo vét đập đầu mối, gia cố các đường ống, sửa chữa các công trình cung cấp nước sinh hoạt. Đến thời điểm hiện tại, Điện lực Kon Plông đã khôi phục điện cho 9 xã, thị trấn; ngành Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn khắc phục, sửa chữa được 80% khối lượng các trường học bị hư hỏng, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy và học tập.
Quang Định