Kon Plông: Hội Nông dân hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Những năm gần đây, Hội Nông dân huyện Kon Plông luôn chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ, vận động hội viên mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Ông A Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Plông cho biết: Với vai trò và nhiệm vụ của mình, Huyện hội đã chú trọng tư vấn, hỗ trợ, vận động hội viên mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế mang tính lợi thế của địa phương. Đặc biệt, Huyện hội đã xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế. Để thực hiện các mô hình, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ hội bám sát cơ sở, gần gũi, nắm chắc từng hoàn cảnh hội viên để có phương án hỗ trợ hiệu quả. Mỗi cán bộ hội về cơ sở phải tuân thủ “6 biết” là biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi. Qua đó, tạo mối gắn kết khăng khít giữa cán bộ hội và hội viên, nông dân, giúp họ tin tưởng, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Với tinh thần ấy, thời gian qua Huyện hội Kon Plông đã tạo được khí thế, phong trào thi đua làm kinh tế sổi nổi trong hội viên, nông dân trên toàn địa bàn.
|
Theo ông A Thắng, hiện tại trên toàn huyện có 273 mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế đang được duy trì và triển khai như: Trồng sâm dây, đương quy, cà phê xứ lạnh, bí Nhật, chăn nuôi heo… Những mô hình này đã góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn ngày càng phát triển. Chỉ riêng trong năm 2020, toàn huyện có 646 hộ nông dân đăng ký thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” và đã có 138 hộ đã đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, đặc biệt có 07 hội viên nông dân điển hình tiên tiến, giai đoạn 2015 - 2020 được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh.
Cùng với việc xây dựng các mô hình dân vận khéo phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Kon Plông triển khai đến Hội Nông dân các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện giãn dân, tách hộ lập vườn, chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các mô hình kinh tế hộ phát triển bền vững, phối hợp các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nông nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhằm tạo đầu ra ổn định cho bà con.
Bên cạnh đó, Huyện hội thường xuyên phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ phân bón, cây giống của hội viên nông dân 9 xã, thị trấn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi cho hội viên và thực hiện ủy thác cho các đối tượng theo chương trình vay vốn để phát triển kinh tế, xây dựng được 25 tổ tiết kiệm - vay vốn, giúp 740 hộ tiếp cận vốn vay với tổng dư nợ hiện tại đạt 23,728,64 triệu đồng.
Với sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Kon Plông, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Điển hình như A Vương ở thôn Đăk Nê, xã Măng Cành, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của Huyện hội, anh đã có nguồn thu đáng kể từ mô hình trồng cà phê xứ lạnh, đương quy và sâm dây.
Anh A Vương nhớ lại: Năm 2017, thông qua kênh của Hội Nông dân huyện, mình đã vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với lãi suất thấp. Từ số tiền này, mình đã đầu tư để trồng 500 gốc cà phê xứ lạnh. Nhờ được hỗ trợ chi phí phân bón cũng như được trang bị kiến thức nền từ các lớp tập huấn do Huyện hội tổ chức, mình đã chăm sóc 500 gốc cà phê phát triển tươi tốt, đem lại khoản thu nhập đầu tay. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây này, mình quyết định đầu tư thêm 3.500 gốc cà phê xứ lạnh trên diện tích 1,5 ha. Đến nay vườn cây đã cho thu hoạch được 3 năm, trung bình mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, mình có thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Sau cây cà phê, năm 2018, được Huyện hội tạo điều kiện tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh về trồng sâm dây, đương quy, anh A Vương quyết định thử sức với 2 loại cây dược liệu này. Anh đã đầu tư trồng 1.200m2 đương quy và 600m2 sâm dây.
Anh A Vương tâm sự: Dù là mô hình kinh tế của riêng mình, nhưng các cán bộ Hội Nông dân ghé thăm thường xuyên. Họ luôn sâu sát, nhiệt tình, hướng dẫn cho mình các phương pháp, kỹ thuật hiệu quả, đồng thời phát hiện, xử lý những nguy cơ mầm bệnh, để đảm bảo mô hình phát triển ổn định. Theo thời gian, vườn cà phê xứ lạnh, đương quy, sâm dây đều đem lại những kết quả khả quan, giúp mình có được nguồn thu nhập ổn định.
Trong năm 2020 vừa qua, thông qua kênh Hội Nông dân huyện, anh A Vương được hỗ trợ thêm 12.000 gốc đương quy và 9.000 gốc sâm dây làm giống để mở rộng mô hình. Anh cho biết, nếu giá thị trường duy trì như hiện tại trong năm 2021, anh có thể thu khoảng 100 triệu đồng (đã trừ chi phí) từ 3 mô hình cây trồng này.
Anh A Vương chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp hội viên nông dân nhận được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Kon Plông. Trong những năm qua, với sự tận tâm và trách nhiệm, Hội Nông dân huyện Kon Plông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; qua đó góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương xây dựng huyện nhà ngày càng vững mạnh, phát triển.
Tất Thành