Kinh tế tăng trưởng là kỳ tích
Như nhiều người dân khác, tôi theo dõi khá sát diễn biến Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XI và đặc biệt ấn tượng khi biết kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng dương, dù bị bủa vây giữa quá nhiều khó khăn.
Tăng trưởng trong khó khăn
Báo cáo trước Kỳ họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6.112 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, đó chính là kỳ tích!
Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là khu vực công nghiệp, xây dựng với 4,65 điểm phần trăm đóng góp; tiếp đến là khu vực thương mại, dịch vụ (đóng góp 2,7 điểm phần trăm) và khu vực nông, lâm, thủy sản (đóng góp 0,65 điểm phần trăm).
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trong đó đáng kể nhất là bệnh tả lợn Châu Phi.
Công nghiệp – xây dựng 6 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nên đạt mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ các năm. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 3.005 tỷ đồng, đạt 42,03% kế hoạch và tăng 3,5% so với cùng kỳ; chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 14% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 3.734 tỷ đồng, tăng 13,66% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, do dịch bệnh sớm được kiểm soát, các lĩnh vực kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020. Tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh có 156 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1.300 tỷ đồng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh của quý III khả quan hơn quý II.
|
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 9.346 tỷ đồng, đạt 41,54% so với kế hoạch và tăng 4,26% so với cùng kỳ. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh hoạt động xuất khẩu nông sản có sự sụt giảm đáng kể, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt khoảng 60,1 triệu USD, bằng 40,07% so với kế hoạch.
Ngoài ra, hoạt động thương mại, vận tải tiếp tục tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Hoạt động ngân hàng có dấu hiệu phục hồi tích cực khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả...
Số liệu của UBND tỉnh cũng cho thấy điểm đáng chú ý nữa là ước thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 1.532 tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán địa phương giao và 106,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, thu nội địa 1.430 tỷ đồng, đạt 44,2% dự toán; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 102 tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán).
Nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, con số này càng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; cả hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.
Có thể nói, những kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Đây cũng là nền tảng vững chắc để nền kinh tế tỉnh ta duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, và tiếp tục có những mốc tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.
Nhiều cơ hội tăng tốc
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng cuối năm có nhiều yếu tố thuận lợi đem lại cơ hội tăng tốc cho kinh tế cả nước, và tất nhiên, trong đó có tỉnh ta. Rõ ràng nhất là dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế tại Việt Nam; Chính phủ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…
Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để tận dụng tốt những cơ hội ấy để tăng tốc và về đích thành công.
|
Trước hết, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chủ động xây dựng giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt hai có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Đặc biệt quan tâm đến công tác ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch bạch hầu, không để lây lan ra diện rộng, tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút nguồn lực, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh ta thu hút được 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4.645,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu HĐND tỉnh, trong thời gian còn lại của năm 2020, UBND tỉnh cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy dịch vụ công; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ khó khăn, vướng mắc của từng dự án, của các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, đất đai... để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19; đầu tư hạ tầng du lịch để thu hút du khách.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đã được UBND tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện trong năm 2020 là hơn 3.758 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2020, thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là 2.444 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được trên 715 tỷ đồng, đạt 29,26% so với kế hoạch thực nguồn địa phương giao.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Ngành nông nghiệp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên cây trồng, vật nuôi, không để phát sinh ổ dịch mới; tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và giảm giá thịt lợn.
Hồng Lam