Khôi phục và phát triển đàn vật nuôi: Vẫn còn những thách thức
Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Việc khôi phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ luôn được ngành Nông nghiệp chú trọng, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Trong những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra tương đối phức tạp, nhất là dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn Châu Phi. Các tháng đầu năm nay, dịch bệnh có xu hướng giảm, chỉ phát sinh một số ổ dịch ở quy mô nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Việc khôi phục, bảo vệ và phát triển chăn nuôi trước những nguy cơ và diễn biến phức tạp của dịch bệnh là nhiệm vụ luôn được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, ngành Nông nghiệp chú trọng thực hiện. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có là 248.175 con; trong đó, đàn trâu có 24.380 con, đàn bò có 81.405 con, đàn lợn có 142.390 con.
|
Ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước hết, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát phát hiện dịch bệnh sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; triển khai có hiệu quả chương trình tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc theo Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai xây dựng định hướng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng tập trung, giảm số lượng chăn nuôi nhỏ lẻ, ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế quy mô trang trại, chăn nuôi theo chuỗi liên kết.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 59 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nông hộ, áp dụng phương pháp chăn nuôi trong chuồng kín, trong đó có 30 trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Các vùng chăn nuôi hàng hóa, tập trung theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường bước đầu được hình thành, góp phần tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; cơ chế, mức hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do dịch bệnh để tái sản xuất, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm, song không thể phủ nhận rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển chăn nuôi. Tổng đàn vật nuôi bị sụt giảm, nhất là đàn lợn; gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Chỉ tính riêng năm 2020, toàn tỉnh có 904 con trâu, bò bị bệnh lở mồm long móng, 18 con lợn mắc bệnh tai xanh buộc phải tiêu hủy, dịch bệnh tả lợn Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp làm hơn 800 con lợn bị bệnh và phải tiêu hủy; trên 3.500 con gia cầm mắc bệnh cúm cũng phải tiêu hủy. 3 tháng đầu năm nay, mặc dù dịch bệnh được đánh giá là tương đối ổn định, nhưng toàn tỉnh vẫn có 95 con lợn mắc bệnh tai xanh phải tiêu hủy, 347 con trâu, bò mắc bệnh lở mồm long móng; tổng đàn vật nuôi có tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song chưa đạt kế hoạch đề ra.
Việc phát triển đàn vật nuôi, đặc biệt là công tác tái đàn lợn gặp nhiều trở ngại, vì theo quy định hiện hành, để được tái đàn, các hộ chăn nuôi phải tuân thủ đẩy đủ các điều kiện an toàn trong chăn nuôi, trong khi đó, những hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ khó đáp ứng được các tiêu chí đề ra. Dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị, nên người dân luôn có tâm lý e ngại, không muốn đầu tư tái đàn, tăng đàn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao…, gây khó khăn cho người dân trong việc đầu tư, duy trì chăn nuôi và phát triển tổng đàn.
Thêm vào đó, một bộ phận đồng bào DTTS vẫn duy trì phương thức chăn nuôi gia súc thả rông trong rừng nên khó phát hiện và kiểm soát được dịch bệnh, dẫn tới vật nuôi dễ mắc bệnh và chết, ảnh hưởng đến tổng đàn vật nuôi của tỉnh.
Có một thực tế nhận thấy qua các đợt dịch là, những hộ chăn nuôi đầu tư chuồng trại quy mô, bài bản rất ít phát sinh dịch bệnh, đàn vật nuôi luôn được bảo vệ và phát triển tốt. Mặt khác, việc đầu tư chuồng trại đạt chuẩn còn góp phần xử lý tốt tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, những hộ chăn nuôi quy mô lớn còn có điều kiện dễ dàng tiếp cận các khoản vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm chất lượng và an toàn vệ sinh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và hướng đến xuất ra ngoài tỉnh.
Chăn nuôi có vị trí quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, việc phát triển chăn nuôi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế ở nông thôn. Thế nhưng, để khôi phục và mở rộng tổng đàn gia súc, gia cầm thì cùng với sự định hướng, vai trò quản lý, hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền, đòi hỏi sự chủ động và quyết tâm của chính những người chăn nuôi trong quá trình chuyển đổi và thực hiện phát triển chăn nuôi bền vững.
Thiên Hương