Khởi động thị trường tết
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, một mùa kinh doanh tết bắt đầu nhộn nhịp. Nhờ sự chủ động về nguồn hàng và khởi động sớm chương trình bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nên lượng hàng hóa trên thị trường tỉnh khá dồi dào, phong phú, giá cả ổn định, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.
Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa như thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… của người dân tăng cao. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mua sắm, các siêu thị, đại lý, tiểu thương đều đã dự trữ, chuẩn bị nguồn hàng từ khá sớm. Thời điểm này, hầu hết hàng hóa đã được lên kệ, nhất là các giỏ quà tết được bày bán ở những vị trí ưu tiên nhằm thu hút khách hàng.
Siêu thị Co.op Mart Kon Tum là một trong những đơn vị khởi động sớm chương trình tết với hàng ngàn mặt hàng, như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, may mặc, gia dụng, thức uống…Để giảm áp lực mua sắm dồn vào những ngày cuối năm, từ trung tuần tháng 12/2020, siêu thị Co.op Mart Kon Tum đã luân phiên giảm giá nhiều mặt hàng giúp người tiêu dùng chủ động kế hoạch mua sắm.
|
Theo đại diện siêu thị này, nhiều mặt hàng theo thứ tự ưu tiên sẽ được giảm giá cho tới Tết Nguyên đán Tân Sửu gồm sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa; sản phẩm chăm sóc cá nhân; hàng thời trang; giỏ quà tết, các loại thực phẩm ngâm, mứt và gia vị… Đồng thời, siêu thị cũng kết hợp các dịch vụ tiện ích, như nhận đặt hàng qua điện thoại, gói quà miễn phí, giao hàng tận nhà…, giúp khách hàng mua sắm tiện lợi hơn.
Cùng với các siêu thị, các đại lý phân phối, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng chủ động chuẩn bị nguồn hàng lớn phục vụ nhu cầu trong dịp tết của người dân.
Chị Nguyễn Thị Phương- chủ cửa hàng tạp hóa Bích Phương (đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Cùng với bánh kẹo, các hàng hóa thiết yếu thì càng gần tết, mức tiêu thụ mặt hàng bia, nước ngọt sẽ càng cao. Vì vậy, từ đầu tháng 12/2020, tôi đã đặt trước nhà phân phối và mỗi tuần nhập về một lô hàng để bán cho các cơ sở bán lẻ và người dân.
Tại các chợ truyền thống, tiểu thương cũng rục rịch bày bán hàng tết. Tuy nhiên, khác với các năm trước, không khí mua bán tại chợ năm nay có phần trầm lắng hơn.
Theo một số tiểu thương chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum, thời điểm này mọi năm tiểu thương thường nhập về một lượng hàng kha khá bánh kẹo, mứt, đồ khô để phục vụ nhu cầu mua sỉ của các cơ sở bán lẻ tại các huyện. Nhưng năm nay, nhận thấy nhu cầu giảm nên không ai dám tích trữ nhiều. Nguyên nhân do hệ thống phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp ngày càng “phủ sóng” rộng, giá cả cạnh tranh nên tiểu thương ở các nơi không còn phải đổ về thành phố Kon Tum lấy hàng. Mặt khác, người dân cũng đang dần thay đổi thói quen mua sắm, đến chợ ít hơn mà thay vào đó là tới các siêu thị, cơ sở bán lẻ.
|
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, hiện tại, sức mua trên thị trường chưa có nhiều biến động, giá cả hầu hết các mặt hàng vẫn tương đối ổn định. Các giỏ quà tết phổ biến ở mức giá 300.000-1.000.000 đồng. Các loại thực phẩm khô, vốn được tiêu thụ nhiều vào dịp tết, vẫn giữ mức giá như ngày thường. Chẳng hạn như nấm mèo có giá 120.000-130.000 đồng/kg, măng khô (loại ngon) có giá 250.000-300.000 đồng/kg, loại thông thường có giá 200.000- 230.000 đồng/kg, nấm hương có giá 200.000 -250.000 đồng/kg; miến 60.000 - 65.000 đồng/kg; gạo nếp (loại ngon) từ 26.000 -35. 000 đồng/kg, đậu xanh bóc vỏ khoảng 60.0000 đồng/kg. Các loại bánh, mứt cũng rất phong phú về chủng loại, giá cả. Điều đáng nói là đa số cửa hàng, đại lý đều chọn các loại hàng hóa có chất lượng cao, đặc biệt là hàng Việt, để kinh doanh dịp Tết.
Theo đánh giá của Sở Công thương, lượng hàng hóa phục vụ tết năm nay khá dồi dào. Giá cả sẽ tương đối ổn định và dự báo rất khó xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá đột biến vào dịp tết. Từ giữa tháng 12/2020, Sở Công thương cũng đã triển khai quảng bá hàng hóa, công bố địa điểm bán hàng, các mặt hàng của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá để nhân dân dễ tiếp cận; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, trao đổi thông tin giá cả hàng hóa... Đến cận Tết, Sở sẽ huy động các đơn vị kinh doanh tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Thị trường Tết Nguyên đán đã khởi động và sẽ “nóng” dần về những ngày giáp tết. Vì vậy, để góp phần giúp người dân vui xuân, đón tết trọn vẹn, cùng với việc đảm bảo về nguồn hàng, giá cả, các lực lượng chức năng cũng cần siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Ngọc Thắng