Khan hiếm gạch xây dựng
Sau Tết Nguyên đán, khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch là thời điểm nhiều người dân tiến hành mở móng xây dựng nhà cửa. Chính vì thế, vài tháng gần đây số lượng gạch xây dựng tiêu thụ tăng mạnh, có những thời điểm khan hiếm gạch, khiến không ít công trình đang xây dựng dở dang phải tạm dừng do không có gạch để thi công. Hiện, các nhà máy sản xuất gạch đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.
|
Do đang là “mùa xây dựng” nên ở thời điểm hiện tại giá vật liệu xây dựng nói chung trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao, gây nhiều khó khăn cho hoạt động xây dựng đối với chủ đầu tư, nhà thầu và người dân. Riêng việc khan hiếm gạch xây dựng cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình xây dựng khi mùa mưa đang đến gần, khiến không ít nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư, người dân có công trình đang triển khai xây dựng rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, vốn đầu tư lên cao hơn so với dự toán ban đầu, thậm chí có những công trình phải tạm thời dừng thi công vì thiếu vật liệu xây dựng.
Ông A Thông ở thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) cho biết: Hai vợ chồng phải tích góp rất nhiều năm mới dành dụm đủ tiền để xây lại căn nhà mới khoảng 80m2, thay thế căn nhà cũ xuống cấp. Với kinh nghiệm là người từng đi phụ hồ nhiều năm, dự kiến căn nhà cấp 4, mái lộp tôn, tường gạch, nền xi măng... thời gian xây dựng chỉ chưa đầy 1 tháng là xong. Thế nhưng, do tìm mua gạch để xây tường rất khan hiếm, công trình đang xây dựng dang dở phải tạm dừng gần 3 tuần mới tìm mua được “vài thiên gạch” xây dựng. Chính vì thế, không những công trình bị chậm tiến độ mà chi phí phát sinh thêm cũng ngoài dự kiến, bởi một số mặt hàng vật liệu xây dựng khác cũng tăng cao hơn do với số tiền dự toán ban đầu. Ngôi nhà này gia đình dự kiến xây trong khoảng 300 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này (nhà đang trong quá trình hoàn thiện), chi phí đầu tư đã lên trên 300 triệu đồng.
Không chỉ ở thành phố Kon Tum mà hầu hết các địa phương khác trên địa bàn tỉnh các công trình xây dựng cũng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Anh Nguyễn Văn Quyền nhà ở thôn 3, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) cho biết: Nhiều năm nay, 2 vợ chồng, 2 đứa con đều chịu phải cảnh đi thuê nhà để ở. Năm nay, vợ chồng tôi mạnh dạn vay mượn bà con, dòng họ cùng với số tiền tích góp được đầu tư xây nhà. Ngay từ đầu tháng 2 âm lịch, gia đình đã khởi công xây dựng, căn nhà của tôi xây chỉ với 150m2, nhưng đến nay công trình chỉ mới bắt đầu đi vào giai đoạn hoàn thiện, bởi do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng. Năm nay, giá cả các loại mặt hàng vật liệu xây dựng hầu hết tăng cao hơn so với những năm trước từ 30 - 40%. Có những mặt hàng tăng giá nhưng thị trường vẫn đảm bảo cung ứng cho nhu cầu khách hàng, nhưng có những mặt hàng như gạch xây dựng rất khan hiếm, có tiền cũng chưa chắc mua được.
“Đầu tháng 2 âm lịch, gia đình tôi thuê thợ đến đào móng để xây nhà. Sau khi đi hỏi đại lý cung cấp vật liệu xây dựng báo giá gạch xây khoảng 1.400 đồng mỗi viên, nhưng khi mở móng xây chưa được một tháng thì giá gạch giờ lên đến 1.900 đến 2.000 đồng mỗi viên nhưng cũng không đủ gạch để xây. Không chỉ riêng gì gạch mà cát, đá, sắt, thép giá mặt hàng nào cũng đều tăng”- anh Nguyễn Văn Quyền kể lại.
Từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch là thời điểm các công trình xây dựng khởi công nhiều nhất trong năm. Vì vậy, thời điểm này, thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các loại gạch xây bắt đầu nóng lên, liên tục khan hàng không những khiến người dân xây nhà gặp khó mà các đại lý cung cấp gạch cũng bị ảnh hưởng theo.
Anh Nguyễn Tiến Luật - chủ vật liệu xây dựng Tiến Luật ở thị trấn Sa Thầy cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch, cát sỏi, xi măng… tăng giá liên tục so với những năm trước; trong đó, tăng mạnh nhất là sắt thép, có thời điểm tăng hơn 40%. Riêng gạch xây thì tăng khoảng 600 đồng/viên nhưng cũng không đủ gạch để cung cấp. Có nhiều khi đưa xe xuống nhà máy từ lúc 3- 4 giờ sáng nhưng phải đợi đến chiều mới có đủ một xe gạch khoảng 5.000 viên để giao cho khách.
“Giá vật liệu khan hiếm và tăng nên nhiều hộ gia đình đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngừng thi công để chờ hạ giá. Có hộ gia đình đành đưa ra phương án cắt giảm diện tích xây dựng, hoặc chọn các nguyên vật liệu có chất lượng thấp hơn để bù lại phần phát sinh, nên chất lượng, thẩm mỹ công trình chắc chắn sẽ giảm đi, điều này khiến cho lượng vật liệu bán ra của các đại lý cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do giá vật liệu xây dựng tăng cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu nên rất nhiều hộ gia đình sau khi xây nhà xong nợ tiền vật liệu không có khả năng thanh toán, khiến cho đại lý cung cấp vật liệu phải lao đao theo”- anh Luật cho chúng tôi biết thêm.
Bảo Châu