Khai thác bản sắc văn hóa để làm du lịch
Kon Tum có nhiều danh lam thắng cảnh gắn liền với giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS tại chỗ. Chính vì thế, trong những năm qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh có nhiều đầu tư trong việc khai thác bản sắc văn hóa để làm du lịch, qua đó góp phần giúp một bộ phận người dân tăng thu nhập, tiến tới giảm nghèo bền vững.
Chúng tôi đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) vào một ngày cuối đông, khi hoa anh đào nở rộ khoe sắc hương trong sương mờ, lung linh giữa đại ngàn Măng Đen.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn ba gian truyền thống của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) được làm bằng gỗ, anh A Klung cho biết: Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng làng Kon Pring”, tháng 11/2018, UBND huyện Kon Plông đã hỗ trợ 3 hộ dân của làng 3 tỷ đồng (1 tỷ đồng/hộ) để xây dựng 3 nhà sàn truyền thống theo hình thức “homestay” để đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Xơ Đăng sinh sống ở phía Đông Trường Sơn. Sau khi hoàn thành, chúng tôi đưa vào khai thác và đã có nhiều du khách đến lưu trú.
“Trong những năm gần đây, khi Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring đi vào hoạt động, bình quân nhà tôi có khoảng 5 đoàn du lịch đến lưu trú/tháng (10-20 người/đoàn). Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu được từ 12-15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân đánh cồng chiêng, múa xoang trong làng cũng có việc làm, từ đó có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình”- A Klung chia sẻ.
|
Bà Đinh Thị Bích Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Măng Đen cho hay: Tính đến nay, Nhà nước đầu tư trên 7 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring. Các tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa, xây dựng 1 bãi đậu xe, 3 nhà lưu trú (homestay), 2 nhà vệ sinh công cộng và hệ thống điện chiếu sáng ở nhà rông văn hóa. Nhìn chung, tiến độ và nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ các dự án tương đối đảm bảo, cơ chế chính sách kịp thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của địa phương.
Ở thành phố Kon Tum, chúng tôi đến thăm làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa) nằm bên dòng sông Đăk Bla chảy ngược. Đây cũng là một làng được Nhà nước đầu tư xây dựng thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Kể từ khi được UBND tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng, người dân trong làng được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về các mặt, trong đó đã thành lập Tổ hợp tác du lịch của làng. Từ đây, người dân đã mở ra nhiều điểm lưu trú để thu hút du khách.
Tâm sự với chúng tôi, anh A Kâm - Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu cho biết: Làng có khoảng 146 hộ, trong đó trên 40% số hộ đã tham gia làm du lịch cộng đồng. Trước đây, bà con làm du lịch tự phát nên thu hút khách không nhiều. Nhưng kể từ khi được Nhà nước công nhận là Làng du lịch cộng đồng, người dân tham gia vào Tổ hợp tác để cùng nhau làm du lịch, du khách đến tham quan, lưu trú ngày càng đông; thu nhập từ du lịch cao hơn.
Đặc biệt, ở Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) được huyện đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, đến nay, thôn có khoảng 3 km đường được bê tông hóa; hệ thống điện, nước sạch sinh hoạt, thông tin liên lạc cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi có 132 hộ với 777 nhân khẩu, phần lớn là dân tộc Ba Na, còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống và một số nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần...; có 2 đội cồng chiêng, 2 đội múa xoang và Câu lạc bộ dân gian với 51 thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Trong năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận 10 làng du lịch, điểm du lịch cộng đồng. Hầu hết các điểm, làng du lịch này đều có bảng chỉ dẫn vị trí cụ thể, được người dân địa phương trưng bày các sản phẩm truyền thống của các DTTS ở trong tỉnh để phục vụ du khách thập phương.
Trong năm 2020, toàn tỉnh thu hút được khoảng 360.000 lượt khách (trong đó có khoảng 10% lượt khách đến tham quan điểm, làng du lịch cộng đồng), với tổng doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ du lịch cộng đồng đạt khoảng 350 triệu đồng). Tuy chưa nhiều, nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh”- ông Nguyễn Văn Bình giải thích thêm.
Có thể khẳng định, du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại những lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Chính vì vậy, du lịch cộng đồng được tỉnh định hướng phát triển với những sản phẩm đặc trưng gồm: dịch vụ homestay trải nghiệm cuộc sống của người dân và tìm hiểu những nét văn hóa bản địa; tour tham quan tìm hiểu về tổ chức thôn làng, các ngành nghề truyền thống; tour đi bộ ven suối ngắm cảnh dã ngoại, tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái; giao lưu, biểu diễn văn nghệ truyền thống; tour tham quan điểm nghề truyền thống của người dân; tour du lịch giáo dục và tình nguyện, tổ chức các hoạt động trải nghiệm giao lưu văn hóa, tìm hiểu đời sống phong tục tập quán của người dân địa phương.
Vĩnh Hà