Kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo
Thời gian qua, việc thực hiện Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt nhiều kết quả nhất định, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư; tạo cho người nghèo cơ hội tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ sinh kế
Có thể nói, công tác giảm nghèo tại tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, có sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ khi các chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện là “cú hích” góp phần tác động, thay đổi nhận thức của đối tượng thuộc hộ nghèo trong việc vươn lên thoát nghèo. So với giai đoạn trước, người dân đã chủ động trong tìm kiếm các giải pháp thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thông qua chương trình có rất nhiều gương điển hình xin thoát nghèo, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng. Điển hình như anh A Đáo ở thôn Long Láy 3 (xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông), là 1 trong nhiều gương thoát nghèo điển hình tiêu biểu nhờ tham gia vào Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh tại địa phương.
|
Anh A Đáo cho biết, trước khi tham gia mô hình, gia đình tôi trồng lúa, mì nên thu nhập bấp bênh, đời sống kinh tế khó khăn muôn vàn. Sau khi tham gia Đề án, tôi được hỗ trợ cây giống, phân bón, tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thường xuyên nhận hỗ trợ, hướng dẫn từ cán bộ địa phương.
Học hỏi, tiếp thu nhanh chóng nên sau 2 năm, vườn cà phê của A Đáo sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, kỳ thu bói đầu tiên cho năng suất trên 1,5 tấn/sào, ước tính thu trên 20-30 triệu đồng/sào. Từ thành công ban đầu của A Đáo, rất nhiều hộ nghèo trong thôn Long Láy 3 đăng ký tham gia Đề án, tự nhân rộng diện tích trồng cà phê, qua đó nhiều bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Ngoài các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh ta triển khai 12 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 12 xã thuộc 7 huyện, thành phố, thực hiện hỗ trợ 234 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia với mức kinh phí bình quân 12,462 triệu đồng/hộ (tổng kinh phí luân chuyển 2.916 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 2.852 triệu đồng, vốn của các hộ tham gia dự án là 64 triệu đồng).
Qua thực tế triển khai thực hiện, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo trên toàn tỉnh, tiêu biểu các mô hình như: trồng cây cà phê xứ lạnh (cà phê Catimo) ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), nuôi bò cái sinh sản ở xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), nuôi dê sinh sản ở xã Kroong (thành phố Kon Tum), trồng và chăm sóc cà phê, cao su, chăn nuôi heo xã Đăk Hring (huyện Đắk Hà)...
Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Kroong (thành phố Kon Tum) được triển khai từ năm 2018 đến nay với 15 hộ nghèo tham gia. Mô hình có 95 con dê với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 306 triệu đồng, các hộ tham gia mô hình tự xây dựng chuồng trại và mua thức ăn bổ sung hơn 94 triệu đồng).
Ông Huỳnh Quốc Việt- Phó Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết, từ khi triển khai đến nay, mô hình đã giúp 9 hộ gia đình thoát nghèo, đặc biệt có 2 hộ A Bái và A Trưm đã vươn lên trở thành hộ khá.
Lồng ghép nhiều chương trình để giảm nghèo bền vững
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bình quân 3-4% trong giai đoạn 2015-2020. Để thực hiện mục tiêu trên, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đầu tư hơn 8.412 tỷ đồng thực hiện Đề án giảm nghèo.
Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, các sở, ngành, địa phương tập trung phân bổ nguồn lực để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án giảm nghèo như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ lao động nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường…
|
Theo đó, từ nguồn vốn của các chương trình như chương trình 30a và chương trình 135 giai đoạn III, lồng ghép một số dự án, chương trình hỗ trợ khác, tỉnh ta tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất ở những vùng khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa nhằm làm “bệ đỡ” để các hoạt động kinh tế- xã hội khác có điều kiện mở rộng, phát triển; qua đó giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh thực hiện đầu tư 986 công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho gần 15.574 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Tính riêng năm 2020, đã hỗ trợ hơn 278 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, vùng khó khăn; hơn 41,3 tỷ đồng cho các mô hình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; 3,5 tỷ đồng cho các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cộng đồng với hơn 1.400 lượt người tham gia (đạt 96% kế hoạch). Các chương trình hỗ trợ, đầu tư đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của nhân dân. Từ đó góp phần tích cực vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn. Đến nay, 95,1% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, giáo dục, nhà ở vệ sinh môi trường...; toàn tỉnh hiện có 182 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 90% dân số nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh; hệ thống đường giao thông tại xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%...
Công tác đào tạo nghề, cho vay vốn và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, lao động nông thôn ngày càng được các cấp chính quyền và ngành chức năng chú trọng. Trong giai đoạn 2016- 2020, các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho 3.622 lao động nông thôn (đạt 102,14% kế hoạch); triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho 128.526 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với tổng giá trị hơn 4.095 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, thông qua vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho 2.783 lao động; 15 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 85 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; xây mới 11.993 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 356 căn nhà cho hộ nghèo...
Nhờ thực hiện tốt Đề án giảm nghèo, tính đến cuối năm 2019 toàn tỉnh chỉ còn 18.858 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 13,62% so với tổng số hộ dân); số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 8.809 hộ (chiếm tỷ lệ 6,36%); bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,12%/năm (đạt 104% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo). Trong giai đoạn 2016-2019, tổng số hộ thoát nghèo toàn tỉnh là 20.901 hộ, tổng số hộ thoát cận nghèo là 10.934 hộ. Ước tính cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 10,12 % (giảm 3,5% so với năm 2019).
Ông A Kang- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 6- 8%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều mới. Đồng thời, tăng cường các hoạt động, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng gấp 2 lần so với năm 2021.
Hoàng Thanh