Kết nối tiêu thụ các sản phẩm dược liệu
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 03/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối nhằm giới thiệu các sản phẩm dược liệu của tỉnh đến các hệ thống bán lẻ, các kênh phân phối tại các tỉnh thành trên khắp cả nước.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, Sở Công thương đã kết nối thành công các sản phẩm dược liệu của tỉnh vào tiêu thụ tại Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh (số 339 Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum) với 56 sản phẩm dược liệu của 17 đơn vị sản xuất và hệ thống Siêu thị Co.op mart với 8 sản phẩm dược liệu của 3 đơn vị sản xuất. Các sản phẩm dược liệu chủ yếu được chế biến từ sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, ngũ vị tử, nấm linh chi, cà phê rang xay...
Hiện nay xu hướng tiêu dùng, mua sắm của người dân, nhất là ở các khu vực thành thị đang chuyển từ chợ truyền thống sang sử dụng kênh bán hàng hiện đại, phương thức thanh toán nhanh gọn, do đó việc đưa các sản phẩm dược liệu của tỉnh vào tiêu thụ tại các cửa hàng bán lẻ hiện đại, hệ thống các siêu thị sẽ góp phần quảng bá sâu rộng hơn mặt hàng này đến người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Các sản phẩm đang được tiêu thụ ổn định tại điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Kon Tum và hệ thống Siêu thị Co.opmart, góp phần giúp các đơn vị sản xuất có đầu ra ổn định, chủ động được kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời còn góp phần quảng bá, giới thiệu, nâng tầm vị thế của sản phẩm dược liệu của tỉnh.
|
|
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, số lượng các sản phẩm đủ điều kiện để kết nối vào hệ thống siêu thị còn hạn chế do các đơn vị sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên năng lực cung ứng sản phẩm của các cơ sở sản xuất còn hạn chế, không ổn định; thói quen mua sắm của người tiêu dùng vẫn ưu tiên về các kênh truyền thống với tâm lý hàng hóa trong siêu thị thường đắt hơn ngoài chợ vì phải chịu thêm phí thuê mặt bằng, nhân viên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu còn hạn chế trong việc đáp ứng các yêu cầu về giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm định, hồ sơ công bố chất lượng các quy chuẩn và ít chú trọng đến đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sức mua đối với các sản phẩm dược liệu bị hạn chế trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin: Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu của tỉnh, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng trong nước nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, mạng lưới phân phối, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương.
“Sở Công thương sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cung ứng các sản phẩm dược liệu về các điều kiện mà đơn vị phân phối đưa ra. Tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại địa phương năm 2022 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hoá vào các kênh phân phối, tiêu thụ hiện đại trong và ngoài tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm.
Dương Nương