Ia H’Drai chủ động ứng phó với mưa lũ
Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Ia H’Drai diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng; mức độ nguy hiểm, bất thường và có xu hướng cực đoan hơn. Chính vì vậy, công tác chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra luôn được các cấp chính quyền huyện Ia H’Drai quan tâm thực hiện.
Địa hình đồi núi nhiều nên huyện Ia H’Drai dễ bị tác động do mưa lũ, đặc biệt là khu vực 2 bên sông Sê San và sông Sa Thầy. Mưa lớn kéo dài gây nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Tính riêng năm 2021, mưa lũ đã làm tốc mái 7 căn nhà, thiệt hại 2,2ha lúa nước, 0,2ha ao cá, 3 lồng bè nuôi cá và làm đổ gãy 2.600 cây cao su. Giông lốc làm đổ 2 cổng chào, 2 cột điện; gây hư hỏng một số thiết bị của Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện. Tổng thiệt hại do mưa lũ trong năm 2021 khoảng 1,5 tỷ đồng.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum, dự báo trong năm 2022 sẽ có từ 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết tỉnh Kon Tum, tập trung từ tháng 8 đến tháng 11; gây mưa to đến rất to trên diện rộng, nguy cơ cao về lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Lượng mưa từ cuối tháng 6 đến tháng 10 có xu thế tăng dần, từ tháng 11 đến tháng 12 có xu thế giảm dần. Tổng lượng mưa trong 6 tháng cuối năm 2022 đạt từ 1.300 - 1.800 mm, ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm.
|
Trước tình hình này, UBND huyện Ia H’Drai đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Theo đó, huyện tập trung tuyên truyền người dân tại tất cả các thôn về các phương án cần làm khi mưa bão xảy ra; Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn huyện trong hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông, suối, khu vực sườn đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Phú An - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: Đến thời điểm này, UBND xã đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của 40 thành viên. Các thành viên được phân công nhiệm vụ, công việc và địa bàn cụ thể, đảm bảo sẵn sàng nhân lực tại chỗ khi mưa lũ xảy ra. Một số trang bị cần thiết như đèn pin, áo mưa, áo phao, phao cứu sinh… đã được chuyển xuống các thôn, kịp thời ứng phó với tình huống bất lợi xảy ra.
Trung tá Trần Văn Toàn - Phó Chỉ huy trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia H’Drai chia sẻ: “Với mục tiêu là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đơn vị đã kiện toàn lực lượng tham gia ứng cứu trong mùa mưa lũ năm nay. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ về lương thực, thực phẩm; các trang bị như bè, phao cứu sinh được kiểm tra, bảo dưỡng và đã lên các phương án thực hiện trong tất cả các tình huống”.
Tấn Lộc