Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học
Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH đã có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng hằng năm của ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mô, hom để sản xuất giống cây trồng, dược liệu phục vụ trong sản xuất như chuối, dâu tây, các loại phong lan, địa lan, sâm Ngọc Linh, đảng sâm, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử... Nhờ đó, đã cung cấp một phần nguồn giống có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh, như: rau, hoa, quả, các giống lúa RVT, HT9, giống mía K95-156, giống cà phê chè TN1, TN2, F5TN1, giống cà phê TR4, giống mì KM 140, KM 419.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như: Hoa lily, lan hồ điệp, rượu sim, cá tầm Măng Đen; xây dựng xưởng chế biến sâm Ngọc Linh; nghiên cứu, sản xuất cà phê chất lượng cao bằng công nghệ lên men tại huyện Đăk Hà; sản xuất thử nghiệm cà phê lên men và cà phê tách vỏ Honey bởi chế phẩm Bioco. Hằng năm sản xuất được hơn 3 tấn chế phẩm sinh học; hàng trăm bình phôi nấm đông trùng hạ thảo và hơn 10kg sản phẩm đông trùng hạ thảo đóng gói.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện mô hình trồng cà chua trong nhà màng; mô hình trồng rau, rau trái vụ, trồng hoa trong nhà lưới nhằm điều tiết khí hậu, thời tiết, mưa nắng đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nhà lưới sử dụng trong công nghệ trồng hoa, trồng cà chua, gieo ươm cây giống rau trồng trong mùa mưa và mùa khô cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Thông qua nguồn kinh phí khuyến công, đã triển khai dự án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế phẩm hữu cơ sinh học” tại Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ sinh học An Thái. Thu hút một số dự án đầu tư sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ như: Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hương Đất với sản lượng 102 tấn/năm; Tập đoàn Vingroup - Công ty CP VinEco Kon Tum đã và đang đầu tư xây dựng dự án phát triển sản xuất Nông nghiệp VinEco theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy mô 511,23 ha; dự án xây dựng vùng sản xuất rau hữu cơ cho Nico Nico Yasai đang triển khai thực hiện sản xuất rau hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật. Năm 2019, tỉnh Kon Tum đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn TH để thực hiện các dự án nông nghiệp CNC và du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới...
Ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian qua ngành Nông nghiệp của tỉnh đã tham mưu nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, từng bước đưa các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi; bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”.
Theo ông Trần Văn Chương, để CNSH thực sự góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, cần có sự phối hợp của các cấp, ngành và doanh nghiệp trong triển khai các chương trình, mô hình, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất. Tăng cường cho người dân tiếp xúc với các thành quả của CNSH để người dân biết và từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống. Đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng CNSH; khuyến khích thành lập quỹ phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp để tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm CNSH.
Quang Mạnh