Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tác động tích cực, toàn diện đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn người dân ở các cộng đồng dân cư giáp ranh với rừng.
Qua 10 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, chính sách chi trả DVMTR đã tạo bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp, tạo ra cơ chế tài chính mới, tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí cho các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, thông qua việc thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR, như nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư các thôn được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Điều đáng nói, việc áp dụng chính sách DVMTR trong thực tế đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn.
Trong giai đoạn 2011-2021, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh ký 58/58 hợp đồng với các đơn vị có cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh và chủ động đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam quan tâm, điều phối tiền chi trả DVMTR đối với 15 cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh.
|
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng số tiền DVMTR mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thu được từ các đơn vị, cơ sở là hơn 1.917 tỷ đồng, đồng thời, đã giải ngân hơn 1.788 tỷ đồng để chi trả tiền DVMTR cho 32 đơn vị chủ rừng là tổ chức, 75 UBND xã, thị trấn, 3.386 hộ gia đình, cá nhân, 49 cộng đồng dân cư thôn thuộc 9 huyện, thành phố; góp phần bảo vệ diện tích cung ứng DVMTR gần 384.000ha (khoảng 67% diện tích rừng toàn tỉnh).
Trong giai đoạn 2011-2020, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 490 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn tiền DVMTR đầu tư vào ngành Lâm nghiệp là hơn 1.541 tỷ đồng, giúp các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có nguồn kinh phí để chi cho công tác bảo vệ rừng, chi đầu tư lâm sinh, xây dựng các công trình như, trụ sở làm việc, các trạm quản lý bảo vệ rừng, chòi canh lửa, đường băng cản lửa, bảng tuyên truyền. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và giảm đáng kể số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Các đơn vị, địa phương có thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng đã chi trả hơn 524 tỷ đồng tiền DVMTR cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn. Bình quân mỗi hộ gia đình nhận khoảng 8 triệu đồng/năm, mỗi nhóm hộ nhận khoảng 67 triệu đồng/năm và mỗi cộng đồng nhận khoảng 147 triệu đồng/năm.
Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cổng chào thôn, nhà văn hóa, nhà rông, sân thể thao, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng… qua đó, hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần bảo vệ môi trường với việc hỗ trợ nguồn kinh phí để các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trồng hơn 2.200ha rừng, hỗ trợ người dân trồng hơn 647ha rừng sản xuất và trồng hàng trăm nghìn cây phân tán khác.
Từ những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian vừa qua, giai đoạn 2021-2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các sở, ngành và địa phương, đơn vị liên quan đặt mục tiêu thu và chi dự kiến 1.500 tỷ đồng tiền DVMTR. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ ngành Lâm nghiệp của tỉnh một cách hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và người dân sống ở gần rừng.
Đức Thành