Hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội từ giao rừng, cho thuê rừng
Giao đất giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng là chính sách lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chính chủ trương này đã gắn kết quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Đến nay, chính quyền địa phương các cấp ở tỉnh ta đã tổ chức giao 8.561,06ha rừng cho 53 cộng đồng dân cư; đồng thời cho 8 doanh nghiệp thuê 7.408,76ha rừng.
Thông qua các diện tích rừng được giao, cho thuê, các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững gắn với phát triển cây sâm Ngọc Linh, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và sản xuất nông - lâm nghiệp dưới tán rừng.
Hằng năm, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đều tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các chính sách đầu tư phát triển lâm nghiệp để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn nắm bắt, hiểu chủ trương, chính sách về giao rừng, cho thuê rừng và các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện. Từ đó, nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, thúc đẩy người dân, nhất là người dân ở vùng đồng bào DTTS tham gia quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Triển khai thực hiện các phương án giao rừng, cho thuê rừng theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, UBND các huyện, thành phố của tỉnh đều xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 26/11/2018 của Chính phủ trình UBND tỉnh phê duyệt để làm căn cứ giao rừng, cho thuê rừng.
Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng của cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp sau khi được giao, cho thuê rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện chặt chẽ; nếu diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê sử dụng không hiệu quả hoặc sai mục đích đều được xem xét, tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi để giao rừng, cho thuê rừng cho đối tượng khác quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.
|
Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện các phương án giao rừng, cho thuê rừng, các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như đối với rừng giao cho cộng đồng chủ yếu từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường, tuy nhiên có một số diện tích giao cho cộng đồng không có cung ứng dịch vụ môi trường rừng nên ảnh hưởng đến thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; diện tích rừng tự nhiên chủ yếu manh mún, phân bố không liền lô, liền vùng; địa hình hiểm trở, chia cắt; quy định về trình tự thủ tục cho thuê rừng và định giá rừng chưa có sự thống nhất, đồng bộ; mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện nội dung về giao rừng tự nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước để quản lý bảo vệ nên gây khó khăn trong việc quản lý, theo dõi, cập nhập hiện trạng biến động rừng trên hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính và làm cơ cơ để chi trả tiền theo chính sách dịch vụ môi trường rừng…
Tuy khó khăn là vậy, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm và nỗ lực khắc phục khó khăn với các giải pháp hợp lý của các cấp, ngành, địa phương và người dân, việc thực hiện giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đạt được những kết quả nhất định. Qua đó góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng mang lại hiệu quả, ngăn chặn sự xâm hại tài nguyên rừng, đem lại thu nhập kinh tế cho người dân sống gần rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Cụ thể, tổng diện tích rừng đã giao cho các cộng đồng dân cư tăng dần qua các năm (năm 2018 giao 2.028,85ha; năm 2019 giao 2.195,61ha; năm 2021 giao 4.216,72ha), điều đó cho thấy chính sách giao đất giao rừng, cho thuê rừng đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp… nên có sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Các chủ rừng là cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế chủ động xây dựng phương án PCCCR và triển khai thực hiện, qua đó đã góp phần giảm thiểu diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra. Thông qua hoạt động phát triển rừng cộng đồng, vốn rừng hiện có sẽ được bảo vệ, giảm các tác động bất lợi và góp phần nâng cao diện tích rừng trồng, khả năng phòng hộ của rừng, hạn chế hiện tượng xói mòn đất, điều hòa khí hậu, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng hệ sinh thái của rừng.
Việc giao rừng kết hợp với giao đất còn nâng cao khả năng khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng đất lâm nghiệp trong phát triển kinh tế, trồng rừng sản xuất, khai thác rừng trồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân. Đối với các dự án đã giao rừng, cho thuê rừng góp phần phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh về trồng trọt, chăn nuôi với những loại cây, con giống có giá trị; phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác.
Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai công tác đo đạc, đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, đưa việc giao rừng, cho thuê rừng từng bước trở thành một trong những “công cụ” quản lý rừng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Đức Thành