Hiệu quả các mô hình kinh tế ở Ia H’Drai
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự vào cuộc hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chức năng ở địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ia H’Drai mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Lần này trở lại thăm anh Nguyễn Xuân Tiến ở thôn 4, xã Ia Dom, chúng tôi vui mừng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong đầu tư phát triển chăn nuôi một cách bài bản, quy mô của gia đình anh. Chuồng trại chăn nuôi được anh Tiến xây dựng mở rộng, quy mô đàn hươu sao nuôi để bán con giống, lấy nhung cũng tăng lên. Thời điểm năm 2016, gia đình anh Tiến bắt tay vào nuôi hươu sao- một trong những mô hình chăn nuôi mới ở xã Ia Dom, số lượng hươu sao của gia đình anh là 6 con, đến nay đàn hươu sao của gia đình anh tăng lên 27 con. Tất cả hươu sao trong đàn đều khỏe mạnh, béo tốt và đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khá.
Anh Tiến chia sẻ, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn hươu sao phát triển, sinh sản đồng đều. Mỗi năm, sau khi bán con giống, bán nhung và trừ tất cả các chi phí, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập hơn 180 triệu đồng từ đàn hươu sao.
|
Bên cạnh nuôi hươu sao, anh Tiến còn đầu tư mô hình nuôi dúi sinh sản, lấy thịt. Sau gần 1 năm tiến hành nuôi, mô hình này cũng đem lại nguồn thu gần 30 triệu đồng cho gia đình anh.
Ở xã Ia Dom, ngoài anh Nguyễn Xuân Tiến, anh Trần Phước Dũng ở thôn 2 cũng đang gặt hái thành công bước đầu từ việc nuôi dúi sinh sản, lấy thịt.
Năm 2019, anh Trần Phước Dũng mạnh dạn đầu tư làm chuồng nuôi 20 con dúi. Đến nay, đàn dúi đã phát triển lên 60 con và đem lại thêm nguồn thu nhập hơn 30 triệu đồng từ việc bán con giống cho gia đình anh.
Không chỉ phát triển các mô hình chăn nuôi, nông dân ở xã Ia Dom còn phát triển các mô hình trồng trọt hiệu quả. Điển hình như gia đình bà Hà Thị Hợp ở thôn Ia Muung. Với việc trồng cây điều, cây ăn trái, cây mì là chủ đạo, đồng thời nuôi thêm cá và nuôi bò, gia đình bà Hợp có nguồn thu nhập ổn định gần 120 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ ở xã Ia Dom, các mô hình chăn nuôi hiệu quả của các hộ nông dân ở xã Ia Đal cũng chính là tín hiệu đáng mừng trong việc nỗ lực đầu tư phát triển chăn nuôi, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
|
Được sự giới thiệu của ông Phùng Ngọc Chiến- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Đal, chúng tôi có cơ hội ghé thăm 2 tổ hợp tác chăn nuôi (Tổ hợp tác nuôi hươu sao bán con giống, lấy nhung của dân quân tự vệ xã và Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản của Hội LHPN xã) được xem là thành công, tiêu biểu, đang được xã Ia Đal tập trung tuyên truyền để nhân rộng cho người dân trên địa bàn.
Với Tổ hợp tác nuôi hươu sao, từ nguồn hỗ trợ kinh phí của mạnh thường quân và công chăm sóc của chiến sĩ dân quân tự vệ xã Ia Đal, sau gần 1 năm đầu tư nuôi hưu sao, Tổ hợp tác đã thu hoạch lần đầu 8 cặp nhung với số tiền bán được hơn 85 triệu đồng.
Còn Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản, bên cạnh 20 con bò giống do Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ, 10 phụ nữ của xã Ia Đal còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua thêm con giống, chịu khó chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển đàn bò, đem lại thu nhập cho các thành viên trong Tổ hợp tác. Đến nay, đàn bò đã tăng số lượng lên 53 con, nhiều con bò cái trong đàn hiện đang chuẩn bị sinh sản.
Ông Chiến chia sẻ, các tổ hợp tác chăn nuôi đều có ưu điểm thích ứng với điều kiện khí hậu của địa phương, nguồn thức ăn yêu cầu đều có sẵn trong tự nhiên và người dân có thể chăm sóc ngoài giờ hành chính, giờ làm việc ở các nông trường cao su. Với những kết quả thực tế của các tổ hợp tác, trong thời gian tới, xã Ia Đal sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân đầu tư làm theo để phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững.
Chia tay xã Ia Đal, chúng tôi di chuyển sang xã Ia Tơi, xã trung tâm của huyện Ia H’Drai để ghé thăm mô hình trồng trọt của gia đình anh Nguyễn Ngọc Hòa ở thôn 1. Mô hình có tổng diện tích gần 8ha nằm ở khu vực bờ lô, hợp thủy, chuyên canh các loại cây như cà phê, cây ăn trái, điều; trong đó, một số diện tích cây trồng đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Từ hai bàn tay trắng, rời quê hương Quảng Nam đến huyện Ia H’Drai khai hoang, lập nghiệp, hiện nay gia đình anh Hòa đã xây dựng được nhà ở kiên cố tại xã Ia Tơi và cuộc sống dần ổn định với nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
|
Một mô hình trồng trọt hiệu quả khác, tận dụng tối đa lợi thế về thổ nhưỡng, nguồn nước ở các khu vực bờ lô, hợp thủy ở xã Ia Tơi được nhiều người trên địa bàn xã biết đến, đó là mô hình trồng cây ăn trái của gia đình chị Võ Thị Bích ở thôn 1. Với 3ha trồng các loại cây, gồm mít Thái, dừa Xiêm lùn, na, chuối, quýt từ năm 2018, đến nay một số cây đã cho thu bói, mang lại thu nhập cho gia đình chị Bích gần 50 triệu đồng.
Dẫu còn không ít khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi của một địa phương vùng biên giới, nhưng với những cố gắng, tìm tòi học hỏi không ngừng, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của nông dân ở các xã của huyện Ia D’Hrai đều đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu nhập ổn định.
Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi kể trên thường xuyên được lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể, ngành nông nghiệp huyện Ia H’Drai đến tham quan, ghi nhận, biểu dương và coi đây là những mô hình tiêu biểu để các hộ nông dân trên địa bàn đến trao đổi học hỏi kinh nghiệm.
Đức Thành