Hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh bị hư hại
Thời gian qua, hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh của người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei bị mưa đá, sương muối gây hư hại và một số diện tích sâm xuất hiện sâu bệnh hại cây khiến hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh bị chết, thối nhũn. Thực trạng đó đã và đang làm cho người dân lo lắng.
|
Theo báo cáo của huyện Tu Mơ Rông, thời gian qua, do sâu bệnh hại và do mưa đá, kèm theo sương muối trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có 29.795 cây sâm Ngọc Linh thiệt hại. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ ở 4 xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây, Đăk Sao thì có tới 29.143 cây bị thiệt hại do sâu bệnh (trong đó xã Măng Ri có 20.168 cây; Tê Xăng 1.900 cây, Ngọk Lây 7.075 cây); số lượng cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 652 cây (trong đó, xã Măng Ri 639 cây; Đăk Sao 13 cây). Đó cũng chưa phải là con số cuối cùng về số lượng sâm bị thiệt hại bởi hiện vẫn còn các xã chưa thống kê được. Huyện Tu Mơ Rông đang tiếp tục chỉ đạo các xã thống kê số lượng cây sâm bị thiệt hại do sâu bệnh hại, mưa đá gây ra trên địa bàn huyện.
Qua thống kê, đa số cây sâm Ngọc Linh bị hư hại là của người dân trồng và vườn sâm giống huyện Tu Mơ Rông tại xã Măng Ri. Còn diện tích sâm của các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô thì số lượng bị ít.
|
Không chỉ mưa đá, sương muối gây hư hại, qua kiểm tra nắm bắt một số vườn sâm Ngọc Linh của nhân dân thì cây sâm Ngọc Linh lớn đang có hiện tượng mắc một số bệnh hại như thối nhũn, héo chết.
Theo ông A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (người có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh lâu năm) thì việc cây sâm Ngọc Linh bị hư hại chủ yếu một phần do người dân không che phủ cẩn thận dẫn đến mưa đá làm dập cây. Còn hiện tượng thối nhũn thì một phần do mưa nhiều, không thoát nước được dẫn đến thối nhũn.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND Tu Mơ Rông cho biết, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện những trận mưa đá đã làm thiệt hại khá nhiều diện tích sâm Ngọc Linh của người dân. Không chỉ vậy, một số cây sâm lớn có dấu hiệu bị thối nhũn đã gây thiệt hại về kinh tế và làm người dân lo lắng. Huyện cũng đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh, xác định nguyên nhân để có hướng dẫn nhân dân phòng trừ kịp thời.
Không chỉ diện tích sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông bị mưa đá gây hư và cây sâm bị bệnh, mà tình trạng này cũng xuất hiện ở một số vườn sâm của người dân tại xã Mường Hoong và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei).
Để xác định nguyên nhân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Glei, UBND xã Mường Hoong và Ngọc Linh đã đi kiểm tra thực tế tại 6 vườn sâm của các hộ dân ở Mường Hoong và Ngọc Linh.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, qua kiểm tra thực tế, cây sâm Ngọc Linh từ 2-3 năm tuổi vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường, ít bị bệnh. Nhưng đối với cây 1 năm tuổi có khoảng 2.200 cây (trong tổng số khoảng 13.500 cây) đã chết; số còn lại (khoảng 11.300 cây) tỷ lệ cây bị nhiễm bệnh khoảng 35- 40%. Thực tế cho thấy, những luống sâm trồng có che mưa bằng nilon trắng thì ít bị bệnh hơn những luống che bằng lưới nilon. Triệu chứng cây bị bệnh là lá bị vàng, một số cây bị teo thắt phần thân tiếp giáp với mặt đất và đa số cây có bộ rễ chưa bị thối.
Qua đó, xác định cây sâm Ngọc Linh bị bệnh chết rạp là do nấm (nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp) gây ra. Bởi trong thời gian từ tháng 3 đến nay, tại khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, trong khi đó, trời âm u, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các loại nấm phát sinh, phát triển mạnh. Qua kiểm tra, bệnh gây hại cây sâm chủ yếu ở những vườn sâm che mưa bằng lưới nilon hoặc vườn có mái che bằng nilon trắng nhưng thời điểm mưa nhiều chủ vườn không kéo mái che mưa.
Để bảo vệ vườn sâm Ngọc Linh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo người trồng sâm cần vệ sinh vườn cây để tạo độ thông thoáng, tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan. Thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm báo cáo cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm nhằm hạn chế nấm lây lan. Bón bổ sung cho vườn cây bằng mùn núi đã được xử lý bằng các chế phẩm sinh học (Trichoderma) từ 3-6 tháng/lần để tăng cường dinh dưỡng cho cây.
Phúc Nguyên