Gỡ “điểm nghẽn” để tăng năng lực cạnh tranh
Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố mới đây, Kon Tum đạt 58.95 điểm (giảm 3.07 điểm so với năm 2020), xếp thứ 61/63 tỉnh, thành trong cả nước, thuộc nhóm tương đối thấp. Kết quả này một lần nữa đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục rà soát lại những kết quả và tồn tại, đồng thời đề ra giải pháp thực tế nhằm cải thiện mức độ hài lòng.
1. Nếu như bộ chỉ số hiệu quả quản lý hành chính công cấp tỉnh (PAPI) phản ánh cảm nhận của người dân - với tư cách là người sử dụng các dịch vụ hành chính công, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) được Bộ Nội vụ đánh giá toàn diện trên các lĩnh vực căn cứ vào mức tự chấm điểm của đơn vị và theo điều tra xã hội học, thì bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của doanh nghiệp (khu vực tư nhân). Do vậy, PCI không chỉ là công cụ đánh giá, chỉ số xếp thứ hạng, mà còn thể hiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp.
Theo dõi kết quả công bố thường niên cùng hệ thống dữ liệu đăng tải công khai (trên trang web www.pcivietnam.vn), có thể thấy trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh năm 2021 thì có 3 chỉ số được cải thiện hơn năm trước là: Tính năng động đạt 6.42 điểm (năm 2020 đạt 5.73 điểm), Tính minh bạch đạt 6.23 điểm (năm 2020 là 5.91 điểm), Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5.93 điểm (năm 2020 là 5.90 điểm). Còn lại 7 chỉ số thành phần khác có điếm số thấp hơn năm trước: Gia nhập thị trường đạt 6.16 điểm (năm 2020 đạt 7.42 điểm), Tiếp cận đất đai 6.79 điểm (năm 2020 là 7.12 điểm), Chi phí thời gian 5.63 điểm (năm 2020 là 6.35 điểm), Chi phí không chính thức 5.80 điểm (năm 2020 đạt 6.30 điểm), Cạnh tranh bình đẳng 5.65 điểm (năm 2020 đạt 5.87 điểm), Đào tạo lao động 5.35 điểm (năm 2020 đạt 6.35 điểm), Thiết chế pháp lý 5.59 điểm (năm 2020 đạt 6.34 điểm).
Trong 3 chỉ số thành phần có điểm số cải thiện hơn năm 2020 thì chỉ số Tính năng động tăng cao nhất, tăng 0.69 điểm so với 2020. Phải khẳng định rằng đây là kết quả của sự nỗ lực của tỉnh ta trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án từ khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh sự cải thiện của một số chỉ số thành phần như vừa nêu thì có đến 7 chỉ số thành phần đạt điểm số thấp hơn so với năm trước, thậm chí có chỉ số thành phần như Đào tạo lao động giảm 1 điểm, dẫn đến kết quả chung là chỉ số PCI của tỉnh sụt giảm cả về thứ hạng và điểm số. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn kết quả này, nhưng trong đó nguyên nhân khách quan phải thấy là, năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chịu những tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid -19, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, phải gia tăng chi phí cho công tác phòng chống dịch nên doanh thu sụt giảm, khó mở rộng đầu tư. Hơn nữa, với đặc thù của một tỉnh miền núi vốn đã gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, về nguồn nhân lực, về công tác giải phóng mặt bằng và cả việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nay do phải thực hiện giãn cách lại càng thêm khó khăn đã dẫn đến sự chậm trễ trong tiến độ thực hiện một số dự án…, phần nào tác động đến kết quả chỉ số PCI của tỉnh.
|
2. Để từng bước tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, chỉ đạo điều hành và là động lực làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình, kết quả cải cách hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đầu năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh và qua đó xác định việc nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài của tỉnh. Cùng với đó, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã bàn bạc và thống nhất: “Chuyển từ tinh thần đồng hành cùng nhà đầu tư sang tinh thần chủ động kêu gọi, theo dõi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị một dự án đầu tư nhằm thu hút, triển khai các dự án trên địa bàn”.
|
|
Trên tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động kêu gọi, theo dõi, làm việc với nhà đầu tư để lắng nghe những vướng mắc, khó khăn và cùng tháo gỡ; cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Các cấp, các ngành đã có sự thay đổi tư duy, nhận thức về phương pháp giải quyết công việc theo hướng phục vụ và cầu thị. Sự thay đổi này không chỉ tiếp thêm động lực, mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư an toàn hấp dẫn mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư và năm 2021 mặc dù bộn bề khó khăn nhưng tỉnh đã thu hút được 43 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 13.638 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, chỉ số PCI của Kon Tum năm 2021 vẫn ở mức thấp, kết quả chưa được như mong đợi. Mặc dù không phải cứ ở vị trí thấp là không có những điểm làm tốt nhưng điều này phần nào thể hiện ở một số lĩnh vực vẫn chưa nhận được sự hài lòng cao của doanh nghiệp. Các chỉ số thành phần như: Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức… đều có mức điểm sụt giảm so với năm trước có thể thấy vẫn còn những lĩnh vực mà thủ tục còn nhiêu khê, rườm rà; còn những thắc mắc, mong muốn của người dân, doanh nghiệp chưa được ghi nhận kịp thời. Còn những vấn đề mặc dù đã quy định cụ thể, thủ tục hành chính cũng hết sức thông thoáng nhưng do năng lực, nhận thức, thói quen của một bộ phận cán bộ nên sự việc tuy dễ lại hoá thành khó. Cũng còn có không ít cán bộ thiếu kỹ năng cả trong giao tiếp, ứng xử cũng như giải quyết công việc nên cố tình gây khó dễ bằng cách giải quyết công việc chậm, cố tình sai hẹn… đã khiến cho các doanh nghiệp chưa thật sự hài lòng….
Giá trị lớn nhất mà các cuộc khảo sát nói chung, cuộc khảo sát từ các doanh nghiệp của chỉ số PCI nói riêng mang lại không dừng lại ở thứ bậc hay lĩnh vực nào được hài lòng nhiều hơn, lĩnh vực nào hài lòng ít hơn, mà là ở cách nhìn nhận, trách nhiệm và hướng giải quyết của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đối với các lĩnh vực được khảo sát. Nói cách khác, từ chỉ số CPI vừa được công bố, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát lại. Các lĩnh vực đã làm tốt tiếp tục duy trì và nâng cao hơn về chất lượng. Các lĩnh vực còn ở mức thấp cần được phân tích thấu đáo và cùng nhau hợp sức tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn” để cải thiện thứ hạng, điểm số cho những năm sau.
Nguyên Phúc