Giao dịch bằng ô tô lưu động - Kênh dẫn vốn hiệu quả đến vùng sâu, vùng xa
Từ đầu năm 2018, Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum (Agribank Kon Tum) bắt đầu triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại 2 xã Mô Rai và Hơ Moong (huyện Sa Thầy). Sau gần 4 năm triển khai, hoạt động này đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Chúng tôi có dịp tham dự phiên giao dịch lưu động ở UBND xã Mô Rai tổ chức thường lệ vào sáng thứ 5 hàng tuần. Mọi hoạt động tại đây đều tuân thủ 5K trong phòng chống Covid-19; khách hàng được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế đầy đủ trước khi thực hiện giao dịch.
Có mặt tại phiên giao dịch từ sớm, Đại úy Nguyễn Bá Danh - Công ty 78, Binh đoàn 15 được cán bộ Agribank Kon Tum hướng dẫn các thủ tục và bố trí chỗ ngồi để chờ tới lượt giao dịch của mình, đảm bảo khoảng cách với mọi người để phòng, chống dịch hiệu quả. Đại úy Nguyễn Bá Danh cho biết: “Hôm nay, tôi cùng anh em đơn vị lên đây để nộp tiền và mở tài khoản tại Agribank. Điểm giao dịch lưu động như thế này rất thuận tiện cho anh em chúng tôi và bà con nơi đây giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là đảm bảo an toàn trong mùa dịch vì không phải đi xa và tiếp xúc với nhiều người”.
Mô Rai là xã biên giới đặc biệt khó khăn với 7/10 thôn, làng đồng bào DTTS có 1.500 hộ và gần 5.250 nhân khẩu. Nhận thức được nhu cầu sử dụng các dịch vụ tín dụng tại đây, đầu năm 2021, được sự nhất trí của Agribank Kon Tum, Agribank Sa Thầy mở điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng ở xã Mô Rai. Với 2 phiên giao dịch mỗi tuần (tại Hơ Moong và Mô Rai), trung bình hàng tháng, xe ô tô lưu động thực hiện 8 phiên giao dịch tín dụng với 25-30 lượt khách/phiên.
|
Đặc biệt, điểm giao dịch lưu động tại xã Mô Rai còn thu hút nhiều khách hàng ở các vùng lân cận khác, đặc biệt là huyện biên giới Ia H’Drai cũng đến giao dịch. Hiện nay, huyện Ia H’Drai chưa có chi nhánh Agribank và cây ATM của ngân hàng, người dân thường phải đến tỉnh Gia Lai để rút tiền. Từ khi có điểm giao dịch lưu động tại xã Mô Rai cách huyện Ia H’Drai hơn 35km, người dân rút ngắn được một nửa thời gian đi lại. Anh Hoàng Văn Thụy (thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) cho biết: Trước đây phải mất cả ngày để đến được điểm giao dịch tại trung tâm thì bây giờ tôi chỉ mất tầm 1 tiếng để đến đây thực hiện xong giao dịch. Cán bộ Agribank hỗ trợ tôi rất nhiệt tình, các hoạt động giao dịch được thực hiện nhanh chóng và tôi có thể tranh thủ về nhà sớm để làm được nhiều việc khác”.
Các hoạt động tín dụng lưu động được triển khai tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, tiếp giáp với nhiều địa phương như xã Mô Rai, Hơ Moong (huyện Sa Thầy) đã đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ tín dụng luôn rất cao của bà con nơi đây. Việc duy trì chất lượng dịch vụ tín dụng tốt đã tạo được niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng, qua đó góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng tín dụng đen ở địa phương.
Đại úy Nguyễn Bá Danh - Công ty 78, Binh đoàn 15 chia sẻ: “Tôi được biết tình trạng bà con nơi đây đi vay tín dụng đen cũng rất phổ biến, gây ra tình trạng nợ nần vì lãi quá cao, có thể gấp đôi, gấp ba so với vay vốn trong ngân hàng. Với dịch vụ tín dụng lưu động được triển khai kịp thời như thế này thật sự là điều may mắn cho bà con nơi đây có thể vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống”.
Theo thống kê của Agribank Chi nhánh huyện Sa Thầy, năm 2020, ngân hàng đã triển khai hơn 60 phiên giao dịch tại các điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng với trên 1.800 khách hàng, tổng số tiền giao dịch hơn 21 tỷ đồng. Riêng 10 tháng đầu năm 2021, các điểm giao dịch lưu động đã thực hiện hơn 50 phiên giao dịch với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Sa Thầy cho biết: “Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã hỗ trợ bà con nơi đây rất hiệu quả, giúp Agribank gần gũi hơn với khách hàng ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm, giúp đỡ hơn nữa để ngân hàng thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền và vận động người dân ở các nơi đặt xe lưu động chuyên dùng như thế này”.
Có thể thấy, việc triển khai các hoạt động giao dịch bằng ô tô chuyên dùng của Agribank Kon Tum đã giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho người dân khu vực vùng sâu, vùng xa thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàng Thanh