Giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
Cuối năm 2021, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2019 - 2020. Qua giám sát cho thấy, việc chi trả tiền DVMTR mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giữ rừng và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục để chính sách này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh khoảng 385.860 ha, chiếm 67,64% diện tích rừng của tỉnh. Trong 2 năm 2019-2020, Quỹ BV&PTR tỉnh đã tiếp nhận 496.956,704 triệu đồng từ nguồn Trung ương điều phối, nguồn thu nội tỉnh; tiền lãi gửi ngân hàng; các đơn vị cung ứng DVMTR nộp trả... Từ nguồn quỹ trên, đã chi trả cho các chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp các huyện, các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các đơn vị khác như Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Cổ phần VinGin... và UBND các xã, thị trấn với tổng số tiền 452.976,189 triệu đồng. Trong đó, chi trả cho 32 chủ rừng là tổ chức với số tiền 361.896,906 triệu đồng; chi trả cho 75 UBND xã, thị trấn số tiền là 32.836,814 triệu đồng; chi trả các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư với tổng số tiền 58.242,468 triệu đồng.
Cũng trong 2 năm (2019-2020), Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 571.385,950 ha/771.657,352ha (chiếm 74,04% tổng diện tích rừng); số tiền DVMTR đã chi trả là 246.667,964 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 54,45%. Trong đó, các hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư là đồng bào DTTS nhận bảo vệ diện tích 569.333,650ha/571.385,950ha (chiếm 99,64%), số tiền DVMTR chi trả là 245.538,270 triệu đồng/246.667,964 triệu đồng, đạt 99,54%.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết- Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết: Qua giám sát, chúng tôi nhận thấy chính sách chi trả DVMTR có hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm. Điều đáng mừng là số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần từng năm, rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ, hạn chế được tình trạng phá rừng. Việc chi trả DVMTR qua tài khoản đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thời gian quy định, giảm được số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên liên quan; giảm thiểu sử dụng tiền mặt, đảm bảo an toàn trong quá trình chi trả và phù hợp với xu thế hiện nay.
|
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thông qua chính sách chi trả DVMTR, đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của các chủ thể, người dân hiểu được giá trị của rừng đem lại. Việc Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân; thu nhập bình quân hàng năm mỗi hộ gia đình hơn 6 triệu đồng, cộng đồng dân cư hơn 96 triệu đồng. Các chủ rừng được khoán bảo vệ, trung bình mỗi hộ có thu nhập hơn 8 triệu đồng/năm, nhóm hộ hơn 73 triệu đồng/năm và cộng đồng dân cư thôn-làng trên 152 triệu đồng/năm. Đặc biệt, các hộ sử dụng tiền DVMTR để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; mua sắm lương thực, thực phẩm, các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Từ nguồn DVMTR, các cộng đồng dân cư đã hỗ trợ, mua sắm một số trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, sửa chữa nhà rông, làm sân bóng...
Tuy nhiên, qua giám sát cho cũng cho thấy việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là, sự phối hợp liên ngành và một số địa phương còn hạn chế; người dân chưa nắm được số tiền mình được chi trả và diện tích rừng mình quản lý; công tác giám sát ở một số huyện thực hiện chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, một số UBND xã còn lúng túng trong việc thực hiện như xây dựng kế hoạch, lập dự toán thu-chi tiền DVMTR; cập nhật diện tích rừng quản lý còn thiếu sót, chậm trễ... dẫn đến việc tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, vẫn còn xảy ra tình trạng trì hoãn, không kê khai, nộp tiền hoặc chấp hành còn chậm so với quy định của các đơn vị sử dụng DVMTR, chủ yếu là một số nhà máy sản xuất thủy điện nhỏ (không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Tỷ lệ giao khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống gần rừng vẫn còn thấp so với các tổ chức khác.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các chủ thể nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng bàn bạc, đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên để chính sách này đạt nhiều kết quả tốt hơn, góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thảo Nguyên