Giảm nghèo ở xã Hiếu
Dù còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, nhưng nhờ thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nên công tác giảm nghèo ở xã Hiếu trong thời gian qua đạt hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 7-8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là thu nhập của các hộ nghèo, hộ cận nghèo năm sau đều tăng so với năm trước.
Chúng tôi đến thăm trại nuôi gà của vợ chồng anh A Tăng ở thôn Vi Glơng (xã Hiếu, huyện Kon Plông). A Tăng cho biết, gia đình nuôi một lứa 300 con gà, một tháng bán 1 đợt, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn có 3 ha trồng lúa nước, mì, cà phê; nuôi 2 con bò, 3 con trâu, 11 con heo.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, 5 năm trước, gia đình anh A Tăng là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ trồng mì. Khi tham gia mô hình chăn nuôi gà do xã Hiếu triển khai, anh tìm mua con giống bảo đảm chất lượng, học cách chăm sóc gà đúng kỹ thuật. Anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua gà giống về nuôi. Cùng với các khoản thu nhập khác từ nuôi bò, trâu, heo, mì và cà phê, đến nay kinh tế gia đình ổn định, mua sắm xe máy và các đồ dùng trong gia đình phục vụ đời sống. Gia đình anh thoát nghèo cuối năm 2017.
|
Bí thư Đảng ủy xã Hiếu Võ Thị Mỹ Thu cho biết: Hàng năm, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, đảng ủy viên phụ trách thôn nắm bắt tình hình đời sống, vận động nhân dân trồng các loại cây, nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao nhằm phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, địa phương đã tổ chức trên 90 cuộc họp với dân bàn giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào DTTS nghèo với 757 lượt người tham gia.
Tổng kinh phí được bố trí và huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn xã Hiếu là 10.544,5 triệu đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển 6.985 triệu đồng, vốn sự nghiệp 3.559,5 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí trên xã đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, triển khai các dự án phát triển cây cà phê xứ lạnh, các dự án phát triển dược liệu và các mô hình, sản xuất đa dạng hóa sinh kế cho 200 lượt hộ nghèo, 15 lượt hộ cận nghèo. Mặt khác, chính quyền địa phương còn hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng cho 24 nhóm hộ của 5 thôn với diện tích 1.005 ha; hỗ trợ cho 7 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, chính quyền xã Hiếu quan tâm chăm lo triển khai tốt các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước đối với đồng bào DTTS để người dân có điều kiện xây dựng kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể, chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tính đến tháng 3/2020, dư nợ toàn xã 7.195 triệu đồng với 263 hộ dư nợ, trong đó nợ quá hạn 74,9 triệu đồng; số dư nợ tăng so với năm 2016 là 2.811 triệu đồng. Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho khoảng 320 hộ với tổng diện tích gần 100 ha. Thực hiện chính sách trợ cấp tiền điện cho 1.481 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với kinh phí 699 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 38 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ DTTS, người có công với tổng kinh phí 1,216 tỷ đồng. Hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách 5.452 thẻ. Hỗ trợ nước sinh hoạt cho hơn 250 hộ với tổng kinh phí gần 490 triệu đồng...
Dù còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, nhưng nhờ thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nên công tác giảm nghèo ở xã Hiếu trong thời gian qua đạt hiệu quả tích cực. Nếu như năm 2016, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã là 570 hộ (2.220 khẩu); hộ cận nghèo 30 hộ (133 khẩu) thì đến cuối năm 2019 tổng số hộ nghèo giảm còn 331 hộ (1.158 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 38,27 tổng số hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 7-8%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Cùng với đó là thu nhập của các hộ nghèo, hộ cận nghèo năm sau đều tăng so với năm trước.
Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, các chính sách đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, phát triển sản xuất, giao lưu buôn bán hàng hóa. Đây là nguồn lực quan trọng để người dân phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập của người dân, từng bước giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.
Quang Định