Giải pháp thay “giải cứu”
Mấy năm gần đây, “giải cứu” nông sản đã trở nên quen thuộc. Có rất nhiều loại nông sản đều cần được giải cứu mỗi khi vào vụ thu hoạch. Dù rất sẵn lòng mua thêm vài ba ký cam, khoai lang hay dăm quả bí, tôi vẫn tự hỏi rằng, đến bao giờ nông sản mới hết phải “giải cứu”?
Sáng nay, tôi choáng khi thấy cả tạ cam trong nhà cô em công tác trong ngành Bưu điện. Đã nhiều lần tôi muốn xỉu ngang khi nhìn thấy những “núi” bí, vải thiều, khoai lang, dưa hấu ở nhà cô.
Cũng phải nói rằng, tôi rất khâm phục ngành Bưu điện, bởi cho đến nay, đây vẫn là ngành tích cực nhất và hiệu quả nhất trong “giải cứu nông sản”. Có lẽ là mỗi khi có bất cứ loại nông sản nào “ế ẩm” đều sẽ được ngành Bưu điện tiến hành “giải cứu”.
Tôi cũng rất phục cô em, bởi bất cứ cuộc “giải cứu nông sản” nào cô cũng tham gia. Không phải tham gia cho có, hoặc “bị ép” chạy chỉ tiêu, mà rất nhiệt tình, rất trách nhiệm. Đến mức, bạn bè đồng nghiệp gọi cô là “kiện tướng giải cứu nông sản”.
|
Mỗi khi cơ quan Bưu điện phát động “giải cứu” loại nông sản nào đó, thì gia đình, anh em, bạn bè đều sẽ được cô huy động tối đa. Phần thì kêu gọi mua hỗ trợ, phần thì cô tự bỏ tiền ra mua rồi đem biếu, tặng.
Như mọi khi, tôi cũng ủng hộ bằng việc mua mấy ký cam, dự định đem về chia sẻ cho hàng xóm, mỗi nhà một ít. Đồng thời nhắn tin, gọi điện vận động bạn bè, anh em mua ủng hộ, ít hay nhiều đều quý cả.
Nhưng, như câu nói “cái gì cũng có hai mặt”. Tôi chợt nhớ lại kiểu nói chuyện nửa đùa nửa thật của chú em rể: Mấy hôm nay nhà em cứ gọi là “bội thực cam” anh ạ.
Mà không riêng gì đợt này, cứ có dịp “giải cứu” nông sản nào là y như rằng cô ấy bận tíu tít cả lên. Có khi cô ấy mua cả mấy chục ký dưa hấu, rồi hành, tỏi về, bán không được thì đem biếu hoặc để ăn. Thành ra, cả nhà ăn hàng “giải cứu” thành quen.
Khi tôi đang ngồi viết bài này, cô em hớn hở báo tin đã bán hết veo số cam lấy về. Đấy là chuyện vui. Và tôi trân trọng tinh thần “tương thân, tương ái” của mọi người khi “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân.
Từng là phóng viên, viết nhiều về nông nghiệp, tôi đã thắt lòng khi thấy những người nông dân ở Diên Bình nhìn ruộng dưa chín mà không bán được với ánh mắt thẫn thờ. Đã rơi nước mắt khi thấy hàng chục tấn nghệ của bà con nông dân thành phố Kon Tum phải đổ bỏ vì không có đầu ra.
Nhưng tôi không đồng tình với cách gọi “giải cứu”. Bà con nông dân làm ra nông sản chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm.
Tôi tin rằng, bản thân người được “giải cứu” cũng có cảm giác tổn thương khi nông sản mình làm ra được đổ đống ở vỉa hè, với tấm biển “hàng giải cứu”.
Mặt khác, việc dùng từ “giải cứu” đã dẫn đến “hiệu ứng ngược”, đó là giảm giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá lại. Lớn hơn là niềm tin vào nông sản bị giảm xuống.
Cho nên, khi biết cô em bán hết hàng tạ cam, vui là vui vậy, nhưng lòng tôi lại không được nhẹ nhõm, mà nặng trĩu câu hỏi: Vì sao nông sản cứ phải “giải cứu” mãi?
|
Các chuyên gia nhận định rằng, tình trạng sản xuất nông nghiệp tự phát, theo phong trào, tư duy “thích gì trồng nấy” của bà con nông dân, từ đó phá vỡ quy hoạch, không theo quy luật cung cầu của thị trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, hoặc ế ẩm, khó tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch.
Một khi thu hoạch mà ế ẩm, không bán được, tâm lý kêu gọi “giải cứu” xuất hiện, và đa số người tiêu dùng sẽ ủng hộ, bởi tinh thần tương thân tương ái được khơi dậy.
Bên cạnh đó, chính việc tồn tại suy nghĩ “sẵn sàng giải cứu” và sự dễ dãi với mặt hàng giải cứu của người tiêu dùng cũng làm cho người sản xuất mang tâm lý “nếu ế thì đã có xã hội giải cứu”, sẽ dễ dãi trong sản xuất. Từ đó dẫn đến giá cả và chất lượng nông sản thiếu tính cạnh tranh, chỉ đáp ứng được thị trường “dễ tính”.
Nguyên nhân mang tầm vĩ mô hơn là đa số nông sản của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đều xuất bán dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên khó xuất khẩu. Dẫn đến hầu hết chỉ tiêu thụ trong nước, không chỉ cho giá trị thấp mà còn gây nên ùn ứ, quá tải cho thị trường khi vào mùa thu hoạch.
Rõ ràng là đã đến lúc cần có những giải pháp thay cho “giải cứu”.
Về phía bà con nông dân, cần có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình, thông qua việc thay đổi nếp sản xuất cũ.
Không nên cứ trồng, cứ chăm sóc sao cho đạt năng suất, sản lượng cao cái đã, đến khi thu hoạch mới đi tìm nơi bán. Mà cần thực hiện liên hoàn nhiều khâu, từ chọn giống, sản xuất, đến chế biến, hình thành tư duy tìm hướng tiêu thụ sản phẩm ngay từ khi có kế hoạch sản xuất.
Về phía người tiêu dùng, không nên tồn tại suy nghĩ đang “giải cứu” không phải trên cương vị người bỏ tiền ra mua nông sản giúp bà con, mà là mua vì sức khỏe, vì quyền lợi của chính mình bởi được sử dụng sản phẩm có chất lượng, để từ đó có thái độ, trách nhiệm sử dụng hiệu quả hơn.
Chính quyền và các ngành chức năng liên quan cần có những dự đoán thị trường và khuyến nghị rõ ràng và kiên quyết hơn cho nông dân nên trồng những sản phẩm có đầu ra, giá tốt, đúng thời điểm.
Hỗ trợ xây dựng các mô hình kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản một cách tự nguyện, vừa giúp nông dân từng bước thay đổi quá trình canh tác, vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cũng như nâng niu giá trị nông sản Việt.
Trong quá trình này, mối liên kết “6 nhà”, gồm nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng và nhà phân phối cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
Hồng Lam