Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn
Từ nay đến hết tháng 6/2025, với thời gian ngắn ngủi, tỉnh ta phải hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.752 hộ gia đình. Để hoàn thành mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và xã hội.
Thống nhất từ nhận thức đến hành động
Việc hỗ trợ nhà ở không đơn thuần là sửa chữa, xây mới những căn nhà tạm, dột nạt, mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, thực hiện tốt nhất công tác tri ân đối với người có công với cách mạng, giúp người dân an cư, yên tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Vì vậy, chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Nhiều nghị quyết, kết luận, quyết định, chương trình, kế hoạch về lĩnh vực này được ban hành và triển khai hiệu quả. Trong đó, Ban Bí thư có Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị xác định bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
|
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát.
Ngày 9/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phấn đấu trong năm 2025 xóa nhà tạm, dột nát, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của Nghị quyết 42-NQ/TW.
Thực hiện chủ trương có ý nghĩa quan trọng và nhân văn nói trên, và xuất phát từ thực tế, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6/2025 hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh.
Để lãnh đạo thực hiện, ngày 11/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1350-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban.
Trước đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2602/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2025” (Phong trào thi đua).
Hưởng ứng phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm.
Người dân tích cực tham gia với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Từ đó, trong thời gian ngắn, đã có hàng trăm ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, đáp ứng tiêu chuẩn “ba cứng” (gồm nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng, ở khắp các thôn, làng, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Những kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm, sự thống nhất cao giữa nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong hỗ trợ người nghèo, người còn khó khăn về nhà ở “an cư lạc nghiệp”, từng bước vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Đặc biệt, sự hỗ trợ, xóa nhà tạm, nhà dột nát còn là động lực thúc đẩy quyết tâm, ý chí vươn lên, tạo động lực xây nhà mới của chính các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, cũng như lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Huy động mọi nguồn lực
Tuy vậy, theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh vẫn còn 2.752 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (xây mới 2.186 hộ, sửa chữa nhà 566 hộ). Trong đó có 115 hộ người có công với cách mạng; 152 hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các chương trình MTQG; 1.562 hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các chương trình MTQG; 923 hộ dân thuộc các đối tượng khác.
Để hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 2.752 hộ gia đình này vào tháng 6/2025 đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các sở, ngành, địa phương tổ chức đoàn thể cần quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.
|
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Có quyết tâm lớn, có nỗ lực cao, tuy nhiên vấn đề kinh phí cũng là một bài toán không dễ giải. Theo UBND tỉnh, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện khoảng 141,54 tỷ đồng (xây mới cần 124,648 tỷ đồng, sửa chữa cần 16,892 tỷ đồng). Nhưng nguồn kinh phí hiện có mới khoảng 86,83 tỷ đồng, bao gồm nhiều nguồn.
Vì vậy, cần tiếp tục đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Vận động các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn. Người dân, hộ gia đình được hỗ trợ phải tự đảm bảo một phần.
Quá trình hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Hồng Lam