Giá sâm dây xuống thấp, người dân giảm thu nhập
Thời gian gần đây, giá hồng đẳng sâm (sâm dây) trên địa bàn xuống thấp làm cho người dân trồng sâm giảm thu nhập và lo lắng.
Cùng với "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh thì sâm dây là một trong những cây dược liệu quý của vùng núi Ngọc Linh. Sâm dây hiện tại đang được phát triển nhiều nhất tại địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Vì là một trong những loại dược liệu quý nên trong những năm qua, cây dược liệu này đang giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá sâm dây xuống thấp khiến người nông dân cũng bị giảm thu nhập đáng kể.
Tìm hiểu thực tế tại huyện Đăk Glei- địa phương hiện tại có gần 600ha sâm dây, tập trung nhiều nhất tại xã Mường Hoong và Ngọc Linh- một số thương lái và các cửa hàng thu mua tại đây cho biết, giá sâm dây hạ một phần do đường sá sạt lở, đi lại khó khăn, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hàng không xuất bán được… Hiện, giá sâm dây được các thương lái thu mua của người dân thấp, từ 30.000-100.000 đồng/kg sâm tươi, trong khi trước đây người dân bán với giá từ 100.000-300.000 đồng/kg (tùy theo loại củ to, nhỏ).
|
Trao đổi với chúng tôi, ông A Cẩm- Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho hay, mấy năm gần đây, bà con phát triển diện tích sâm dây khá nhiều và đây cũng là loại cây trồng giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã đã phát triển được hơn 250ha sâm dây. Những năm trước giá cao nhưng năm nay giá sâm có hạ hơn nên cũng phần nào ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Tương tự, tại xã Ngọc Linh, toàn xã hiện phát triển được gần 280ha sâm dây, năng suất bình quân đạt 1tạ /sào và hiện tại, giá sâm dây tươi tại đây cũng hạ hơn so với trước kia. Trước đây, giá 1kg sâm tươi (loại nhỏ) bà con bán với giá 80.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 30.000 đồng/kg.
Ông A Tốc- Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh cho biết: Việc giá sâm dây xuống cũng ảnh hưởng đến thu nhập của bà con khá nhiều. Hiện, xã đang liên hệ, làm việc với hợp tác xã trên địa bàn, các công ty để thu mua, tìm đầu ra ổn định cho sâm dây để góp phần giữ ổn định giá sâm, giúp người dân nâng cao thu nhập…
Khác với địa bàn ở xã Mường Hoong và Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), tại huyện Tu Mơ Rông- một trong địa phương có diện tích sâm dây lớn thì giá vẫn tương đối ổn định. Người dân đi mua sâm với giá khoảng 100.000 đồng/kg tươi (loại trung bình).
Ông A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) cho biết, hiện nay, giá sâm dây trên địa bàn vẫn ổn định, có hạ hơn chút so với trước kia. Hiện các thương lái vẫn mua giá thấp nhất từ 50.000-60.000 đồng/kg tươi (loại nhỏ), còn các loại khác vẫn từ 80.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/kg sâm tươi (tùy loại củ to, nhỏ).
Sâm dây là một trong những loại cây trồng chủ lực để giúp người dân, đặc biệt là bà con DTTS ở địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông… nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Đây cũng là cây trồng đang được tỉnh ta khuyến khích người dân phát triển để thoát nghèo. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người dân mong muốn các cấp chính quyền quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư liên kết thu mua và bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm tiếp tục phát triển diện tích sâm dây, bảo đảm đầu ra ổn định…
Phúc Nguyên