Đưa du lịch Kon Tum trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Không chỉ sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên thú vị và đẹp mắt, Kon Tum còn có lợi thế là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử đã tạo nên những “mỏ vàng” quý giá để khai thác các loại hình du lịch. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành cơ hội thì du lịch Kon Tum không thể bằng lòng với những gì đang có.
1.Những người làm du lịch vẫn hay ví von Kon Tum là “mỏ vàng” để phát triển các loại hình du lịch vì sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng còn nguyên vẻ hoang sơ; nhiều sông, hồ, núi thác, nhiều rừng già nguyên sinh với độ che phủ rừng lớn nhất nước, hơn 60%; là vùng đất lưu giữ được sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa các dân tộc với hơn 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ; có các địa danh, di tích nổi tiếng đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc… Đây là những điều kiện cơ bản để Kon Tum hút được du khách, đặc biệt du khách nước ngoài.
Trong lần trò chuyện về phát triển du lịch Kon Tum, ông Nguyễn Đô Huynh – Giám đốc Công ty du lịch Miền Cao cho rằng, riêng trong khu vực Tây Nguyên thì Kon Tum rất có thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và bằng chứng là hiện tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai vẫn phải đưa khách đến Kon Tum. Có 2 lý do để Kon Tum hút khách, đặc biệt là khách nước ngoài, đó là độ che phủ rừng cao và lưu giữ được sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa các dân tộc.
Và thực tế là qua thống kê, những năm gần đây, lượng khách đến với Kon Tum tăng trung bình từ 25-30%/năm. Trong số lượng khách đến với Kon Tum qua các năm cũng có những người đã quay lại lần 2, lần 3… Đáng mừng là đa số du khách đều chung nhận xét: Kon Tum hiền hòa, mến khách, không có kiểu chèo kéo, chặt chém du khách. Kon Tum đã có các địa điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch khai thác khá hiệu quả; có sự kết nối du lịch giữa các điểm đến; có khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, có các điểm du lịch cộng đồng, các món ăn được các tổ chức ẩm thực thế giới công nhận, vinh danh; các khách sạn, nhà hàng… đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của du khách…
|
Tuy nhiên, các loại hình dịch vụ để phát triển du lịch còn đơn sơ; hạ tầng cơ sở còn hạn chế. Ở một số điểm du lịch những vấn đề đơn giản nhất, thiết thực nhất là nước sạch và nhà vệ sinh còn thiếu. Chẳng hạn như ở các điểm du lịch cộng đồng còn ít quan tâm đầu tư nhà vệ sinh, nước sạch; hay ở một số điểm của khu du lịch Măng Đen, nhà vệ sinh chưa tỷ lệ thuận với số lượng du khách ngày càng đông; rồi tình trạng vứt xả rác bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan, cảnh quan các điểm du lịch cần phải có...
Nhận xét không vui nhưng rất thực! Thực tế cho thấy số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch gắn liền với tiềm năng chưa được đầu tư nhiều, các khu du lịch, cơ sở lưu trú… ít có cơ sở đạt chất lượng và quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Các loại hình dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, sản phẩm nghề truyền thống… còn nghèo nàn về hạ tầng (nhất là thiếu nước sạch và nhà vệ sinh), thiếu những “đầu bếp” là người của dân làng… Trong khi đó trước mức sống ngày càng cao, có những đoàn khách đến với Kon Tum ngoài thưởng ngoạn cảnh đẹp, họ còn cần được phục vụ một cách tốt nhất. Nói cách khác, họ cần các sản phẩm du lịch và dịch vụ giải trí có chất lượng. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng: khách cần tiêu tiền nhưng không có chỗ để tiêu; các dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu… Do vậy dẫn đến tình trạng lượng khách lưu trú không tỷ lệ thuận với số lượng khách đến tham quan ngày càng tăng; nhiều người đến với Kon Tum theo kiểu nhanh, gọn, số người quay trở lại chưa nhiều…
2. Biến tiềm năng, lợi thế trở thành cơ hội, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình” là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, “Phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng, vươn tầm trong nước và quốc tế” cũng là 1 trong 18 chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra cho cả nhiệm kỳ 5 năm: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kon Tum định hướng đến năm 2030 phù hợp với thực tế; nghiên cứu tái cơ cấu ngành du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch, phát huy lợi thế của tỉnh, tập trung vào các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, sản phẩm nghề truyền thống, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo và du lịch khác tại các vùng kinh tế động lực; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố để sớm đi vào khai thác, thu hút du khách; nghiên cứu thị trường mục tiêu của du lịch Kon Tum nhằm định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy được tài nguyên du lịch, lợi thế của tỉnh…
|
Chủ trương đã có; mục tiêu rõ ràng; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hết sức cụ thể. Vấn đề là để thực hiện đảm bảo mục tiêu phát triển du lịch Kon Tum trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, mọi chuyện không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nhưng cũng không vì thế mà có tâm lý đủng đỉnh, kiểu thời gian còn dài mà… Các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ; không thể ngành này, địa phương này chỉ tập trung vào một mảng, một lĩnh vực theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà thiếu đi sự liên kết, thiếu đi một hướng đi đồng bộ. Việc dễ, việc cần, phải bắt tay vào thực hiện trước. Có những giải pháp phù hợp để giữ gìn tài nguyên văn hóa, tài nguyên môi trường trong phát triển du lịch như giữ được khung cảnh nhà sàn truyền thống, khôi phục lễ hội truyền thống, giữ rừng... Quan tâm đến các yếu tố hỗ trợ như giao thông, y tế, an ninh, thông tin, dịch vụ, mua sắm, nhân sự, nước sạch... Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến một cách đồng bộ. Triển khai thực hiện tốt chủ trương “Người Kon Tum đi du lịch Kon Tum”; vì một khi mỗi người dân Kon Tum được trải nghiệm thì chắc chắn họ sẽ trở thành một tuyên truyền viên theo kiểu “mách nhỏ” để quảng bá cho du lịch Kon Tum, để có thêm nhiều người thân, bạn bè từ phương xa được biết những cảnh đẹp, điểm du lịch hấp dẫn. Và một yếu tố quan trọng nữa là phải huy động sự vào cuộc của người dân và chính họ phải được hưởng lợi để tránh tình trạng “ăn xổi ở thì” khi tham gia làm du lịch thì phát triển du lịch mới bền vững…
Nói về việc huy động sự vào cuộc của chính người dân trong phát triển du lịch, già A Ring Đeng ở làng du lịch cộng đồng Kon Brắp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) tâm sự rằng, già cũng như bà con nơi đây bao đời sống với nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng, múa xoang, mộc mạc như cỏ như cây trong sân, ngoài rẫy. Nhưng để những điều ấy trở thành nét đẹp thu hút khách du lịch thì bà con phải giữ, phải chăm, phải được trang bị thêm các kiến thức để giữ gìn, tôn vinh và quảng bá không gian cộng đồng làng. Nên già và bà con rất muốn được tham dự các lớp tập huấn trang bị kiến thức về làm du lịch; cùng với đó mong được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư để khắc phục những khó khăn về giao thông, về hạ tầng…
Để thu hút du khách, để giữ chân du khách nhiều ngày và để du khách đến với Kon Tum không chỉ có lần 2, lần 3, mà còn nhiều hơn thế nữa, có lẽ chỉ riêng cảnh sắc, nét đẹp văn hóa là chưa đủ. Cùng với việc tiếp tục được quan tâm đầu tư để phát triển, để làm mới, để nâng cao chất lượng dịch vụ thì đi cùng với đó có những biện pháp lưu giữ, tôn vinh được cảnh quan, nét đẹp văn hóa… Kon Tum chắc chắn có thêm nhiều cơ hội trở thành điểm đến hấp dẫn, mang tính đặc trưng riêng trên bản đồ du lịch như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra .
Nguyên Phúc