Động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển
Thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành chức năng, sự năng động của người dân, các mô hình hợp tác xã kiểu mới ở tỉnh ta có bước chuyển biến mạnh mẽ và từng bước khẳng định được vai trò quan trọng của kinh tế tập thể- mà nòng cốt là các hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng và đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Có một thời gian, hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh kém hiệu quả, phong trào hợp tác xã đi xuống làm cho xã hội có cái nhìn “méo mó” về vai trò hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường. Nguyên nhân của vấn đề không phải ở mô hình hợp tác xã lạc hậu như một số nhìn nhận, mà là do những yếu kém nội tại của các hợp tác xã trong “vận hành”. Theo đó, từ phương thức hoạt động, đến công tác quản lý, điều hành đều bộc lộ nhiều hạn chế, khiến hoạt động của các hợp tác xã kém hiệu quả, không có sức hấp dẫn với người nông dân.
Nhằm vực dậy hoạt động của các hợp tác xã, những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý điều hành nhạy bén, linh hoạt của UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã nhận thức lại vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế của đất nước và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã. Chính vì thế, với những hướng đi mới, cách làm hiệu quả, mô hình hợp tác xã kiểu mới có xu hướng phát triển mạnh về số lượng, quy mô, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
|
Trong 3 năm trở lại đây, ở tỉnh ta, số lượng hợp tác xã kiểu mới tăng nhanh với số lượng mỗi năm có từ 25 - 28 hợp tác xã được thành lập mới, trong khi trước đây, chỉ có dưới 10 hợp tác xã mới được thành lập mỗi năm. Đến nay, toàn tỉnh có 162 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Thực tế hoạt động của các hợp tác xã cho thấy, đây là hướng đi cần thiết, phù hợp, bởi, người nông dân sản xuất nhỏ lẻ manh mún thì khó tạo ra sản phẩm đồng đều, ổn định về chất lượng và không thể cạnh tranh tốt với thị trường.
Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) là một ví dụ điển hình cho hiệu quả của sự liên kết theo chuỗi sản xuất- chế biến- tiêu thụ- cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng Hợp tác xã này gặt hái được kết quả đáng kể. Với 8 thành viên góp vốn, số vốn điều lệ là 1,5 tỷ đồng, 92 thành viên không góp vốn, Hợp tác xã vừa làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, vừa sản xuất cà phê “sạch”. Đến nay, Hợp tác xã xây dựng được vùng trồng cà phê đạt tiêu chuẩn với tổng diện tích 186ha, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 300 tấn nhân sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ông Phạm Xuân Bé - Chủ tịch Hội đồng quản trị , Tổng giám đốc Hợp tác xã Thế hệ mới Đăk Mar cho biết: Các thành viên của Hợp tác xã phối hợp chặt chẽ với nhau trong toàn bộ quá trình sản xuất; trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, Hợp tác xã đã có sản phẩm cà phê rang xay Đăk Mar được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, tiêu thụ rộng rãi ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương…và được khách hàng đánh giá tốt về chất lượng. Bên cạnh đó, sản phẩm cà phê nhân của Hợp tác xã cũng được xuất bán với giá cao hơn so với mặt bằng giá của thị trường, giúp mang lại lợi nhuận ổn định cho người trồng cà phê.
|
Còn Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) lại lựa chọn hướng đi là ươm, tạo cây con giống ứng dụng công nghệ cao; trồng các cây ăn trái như chuối, bơ, quýt, dược liệu, cà phê…theo phương thức hữu cơ, thân thiện với môi trường; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…Hiện nay, sản phẩm trái cây của Hợp tác xã sản xuất ra đều được các doanh nghiệp, thương lái thu mua với giá cao, cho lợi nhuận trên 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, Hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 – 30 lao động trong vùng.
Hay như Hợp tác xã Dịch vụ Văn Lem (thôn Tê Rông, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) với 8 thành viên góp vốn đã lựa chọn hướng đi là kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây và thu mua nông sản cho người dân trong vùng.
Giám đốc Hợp tác xã A Minh cho biết: Hoạt động của Hợp tác xã đã góp phần hạn chế được tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả mà nông dân thường mua phải. Bên cạnh đó, với việc tạo điều kiện cho bà con mua trả chậm và không tính lãi, thu mua nông sản theo giá thị trường đã góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, ép giá nông dân. Hiện nay, Hợp tác xã đang triển khai liên kết với Hợp tác xã Cộng đồng thảo dược Văn Lem xây dựng mô hình thí điểm trồng dược liệu để từng bước mở ra hướng sản xuất mới, hiệu quả hơn cho người dân trong vùng. Điều nay, vừa tạo ra được lợi nhuận cho hợp tác xã, vừa giúp mang lại lợi ích cộng đồng.
Có thể thấy, những mô hình hợp tác xã kiểu mới này với sự đổi mới về tư duy quản lý, vận hành đã góp phần “giải bài toán khó” về những vấn đề sản xuất, kinh doanh và thu nhập… trong điều kiện của kinh tế thị trường. Các hợp tác xã cũng đóng vai trò là cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ; từ đó, giúp nông dân định hướng sản xuất, hạn chế điệp khúc được mùa-rớt giá, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp.
Trong quá trình xây dựng, phát triển, các hợp tác xã còn xây dựng nên những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần quan trọng vào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản và tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Hơn nữa, thời gian gần đây, việc phát triển của hợp tác xã còn gắn liền với việc thực hiện chương trình OCOP đã giúp khai thác có hiệu quả các lợi thế ở mỗi địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng, đem lại giá trị kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Có thể nói, với sự “cởi trói” về chính sách, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của chính người dân, các mô hình hợp tác xã kiểu mới đang dần trở thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thùy Hương