Động lực để phục hồi và phát triển kinh tế
Việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả các nhóm giải pháp quan trọng trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo động lực để kinh tế tỉnh ta phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị quyết 11/NQ-CP đã đề ra 5 nhóm giải pháp quan trọng trong Chương trình phục hồi và phát triển – xã hội.
Đó là, mở cửa kinh tế quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế; duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế; nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn; tăng cường thể chế.
Theo Nghị quyết 11/NQ-CP, Ngân hàng CSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.
Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập.
Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP thể hiện quyết tâm nhanh chóng triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người lao động, người nghèo... vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Đây cũng là cơ hội để các địa phương, nhanh chóng “hồi sức”, tạo bước đột phá nhằm phát triển kinh tế mạnh hơn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đối với tỉnh ta, triển khai một cách quyết liệt và hiệu quả các nhóm giải pháp quan trọng trong Nghị quyết số 11/NQ-CP sẽ tạo động lực để sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế cả nước.
Bên cạnh đó, năm 2022 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Phục hồi kinh tế nhanh sẽ tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ trong trung và dài hạn.
Vì vậy, ngày 18/2, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 462/UBND-KH về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong các nhóm giải pháp để thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên, UBND tỉnh nhấn mạnh, từng đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị và cá nhân phải đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp.
|
Cải cách hành chính, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục là nhóm giải pháp được ưu tiên. Theo UBND tỉnh, sẽ thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Đẩy mạnh rà soát kỹ lưỡng, đề xuất tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với hồi phục nhanh và phát triển bền vững.
|
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm các năm 2022 - 2023 của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Bảo đảm công khai, minh bạch; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công.
Có thể nói, với Kế hoạch 462/UBND-KH, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, các sở, ngành, địa phương cần quyết tâm cao, từ đó tạo xung lực trong thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Và như vậy, có cơ sở để tin tưởng rằng, việc mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong năm 2022 từ 10% trở lên là hoàn toàn khả thi.
Hồng Lam