Dồn đổi, tích tụ ruộng đất: Hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp
Thực hiện dồn đổi, tích tụ đất đai là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Nhưng trong quá trình thực hiện phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, không làm theo phong trào hay làm bằng bất cứ giá nào...
Hướng đi tất yếu
Theo đồng chí Nguyễn Đức Tuy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Vì vậy, tháng 3/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 176/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020.
Chúng ta không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, việc thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu - đồng chí Nguyễn Đức Tuy khẳng định.
Ông Phạm Đức Hạnh- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức thực hiện Quyết định 176 cấp tỉnh cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần quy mô diện tích lớn. Đây là “bước đi” cần thiết để thực hiện thành công Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Đức Hạnh lý giải: Dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; khai thác, sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả tài nguyên đất đai. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng lợi thế, có thị trường tiêu thụ của tỉnh.
Đây cũng sẽ là nền tảng để tỉnh Kon Tum chuyển nhanh hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa tập trung mô lớn nhằm hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm giá trị cao có sự liên kết, hợp tác giữa nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Còn đó những khó khăn
Theo thông tin từ Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) - cơ quan thường trực của Ban tổ chức thực hiện Quyết định 176 tỉnh, sau hơn 3 tháng triển khai, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương và các ngành có liên quan, việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bà Nguyễn Thị Gấm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai cho biết, đến nay, đã có 7/10 huyện, thành phố thành lập Ban tổ chức cấp huyện, xây dựng Kế hoạch thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất trên địa bàn. 3 huyện còn lại là Sa Thầy, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai đang khẩn trương thực hiện.
Đặc biệt, huyện Kon Plông đã xây dựng được mô hình điểm cánh đồng lớn trồng bắp phục vụ chăn nuôi ở xã Măng Bút (8ha) và xã Hiếu (6ha). Công ty CP Đường Kon Tum phối hợp với huyện Đăk Hà xây dựng cánh đồng mía ứng dụng công nghệ cao (100ha) tại xã Đăk La, hiện đang làm việc với các hộ dân để thống nhất phương án, giá cả thuê đất; phối hợp với thành phố Kon Tum triển khai xây dựng cánh đồng mía (40ha) ở xã Kroong.
|
Tuy nhiên, việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất đang gặp không ít khó khăn. Trước hết, đây là chủ trương mới và phức tạp, nên các địa phương còn lúng túng trong triển khai. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ở trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết đã được giao quyền sử dụng cho hộ gia đình. Có những địa phương, như Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, Sa Thầy... gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn đổi, tích tụ bởi địa hình phức tạp, đất đai manh mún, hoặc đã giao cho doanh nghiệp trồng cao su, cà phê...
Nhưng khó khăn nhất vẫn là bà con nông dân chưa hiểu rõ mục đích, phương pháp tích tụ nên “sợ mất đất”, có tâm lý cố giữ lấy ruộng đất. Vấn đề đặt ra ở đây là chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân về việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp. Nếu chính quyền ỷ lại, hoặc lơ là thì sẽ tắc ngay - bà Nguyễn Thị Gấm nhận định.
Không để nông dân mất việc
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đức Hạnh cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi thực hiện dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp rất rõ ràng. Thứ nhất, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Tích tụ đất đai phải đi đôi với tạo công ăn, việc làm; không làm nghèo hóa người dân, không làm dân mất việc làm, đời sống khó khăn hơn.
Thứ hai, tích tụ, tập trung đất đai phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn với việc cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng; gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất.
Thứ ba, chỉ thực hiện tích tụ ruộng đất khi xác định được sự phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương có thể áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp hay không.
Dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp là công việc phức tạp, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, vì vậy Ban tổ chức cấp tỉnh xác định phải đảm bảo công khai, dân chủ trong nhân dân trong quá trình thực hiện với phương châm “Làm đâu được đó, đảm bảo chất lượng, chống tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại” - ông Phạm Đức Hạnh khẳng định.
Bài và ảnh: Thành Hưng