Nhịp cầu nối khát vọng phát triển
Hàng loạt cầu vượt sông trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng là niềm ước mơ khát vọng phát triển. Những cây cầu đã và đang góp phần kết nối vùng, tạo sự đồng bộ hệ thống giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho tỉnh ta.
Nhịp cầu nối đôi bờ
Trước đây, với người dân Kon Tum cũng như những du khách đến với Kon Tum thì cây cầu Đăk Bla và cầu treo Kon Klor đã quá quen thuộc. Trong đó, cầu Đăk Bla là huyết mạch nối cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, là nhịp cầu vô cùng quan trọng trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại qua Kon Tum. Còn cầu treo dây văng Kon Klor bao năm nay không chỉ làm nhịp cầu nối hai bờ, mà còn tạo nên khung cảnh thơ mộng, trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách khi đặt chân đến Kon Tum.
Nhưng với chỉ có 2 cây cầu nói trên thì còn quá ít so với tiềm năng mà hai bên bờ sông Đăk Bla đang có. Bởi, hai bên dòng sông Đăk Bla bạt ngàn tài nguyên cần “đánh thức”. Do đó, khát vọng nối nhịp đôi bờ sông Đăk Bla với nhiều vị trí khác nhau trên dòng sông này là ước nguyện chính đáng của người dân. Thực hiện ước nguyện đó, tỉnh ta đã quy hoạch dọc sông Đăk Bla sẽ có khoảng 11 cây cầu vượt sông.
Hiện thực hóa khát vọng của nhân dân, những năm qua, tỉnh ta đã bố trí hàng trăm tỷ đồng xây dựng những cây cầu vượt sông Đăk Bla nhằm tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, vừa đáp ứng ước mong chính đáng của người dân vừa lấy đó làm tiền đề khai thác quỹ đất, thúc đẩy kinh tế xã hội và tạo vẻ đẹp cho đô thị, đánh thức vùng đất đang “ngủ quên” bên dòng Đăk Bla thơ mộng.
|
Sau nhiều năm nỗ lực, ước mong đó đang đà và đang trở thành hiện thực. Đến nay, ngoài cây cầu Đăk Bla cũ, cầu treo Kon Klor đã có thêm nhiều cầu vượt sông Đăk Bla. Đó là cây cầu nối với thôn 6, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) và 6 cây cầu vượt sông Đăk Bla qua địa bàn thành phố Kon Tum như cầu trên đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh phía Đông thành phố, cầu số 1, cầu số 3, cầu khu trung tâm hành chính tỉnh, cầu Đăk Bla mới (song song với cầu Đăk Bla cũ); cầu ngầm tràn qua Ngục Kon Tum và cầu số 3 nối xã Vinh Quang với phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn Kết đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hiện nay, trên sông Đăk Bla, cũng đang tiếp tục xây dựng cây cầu vượt sông nằm trên dự án tuyến đường tránh phía Tây của thành phố Kon Tum.
Ngắm nhìn những nhịp cầu đang tiếp tục nối những khúc sông Đăk Bla dọc ở thành phố Kon Tum người dân Kon Tum rất vui mừng phấn khởi. Niềm mơ ước ấy của người dân đang dần trở thành hiện thực. Nhiều cây cầu đã, đang được xây dựng, tạo động lực và dư địa cho sự phát triển, giúp giao thương thuận lợi, gắn kết các khu dân cư, tạo vẻ đẹp hiện đại cho đô thị thành phố Kon Tum. Cũng từ những cây cầu được đầu tư xây dựng, thành phố Kon Tum đang tập trung phát triển, mở rộng không gian đô thị, tận dụng và khai thác hiệu quả quỹ đất dọc sông Đăk Bla, tạo nên những điểm nhấn cho đô thị trung tâm vừa hiện đại, vừa văn minh và giàu bản sắc.
Không chỉ có những cây cầu vượt trên dòng sông Đăk Bla mà trên địa bàn tỉnh còn có nhiều cây cầu vượt sông Đăk Snghé, sông Đăk Pne (qua huyện Kon Rẫy) hay cầu vượt sông Pô Kô qua địa bàn thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạo đột phá mới đối với sự phát triển của địa phương. Đặc biệt, những cây cầu vượt sông mở ra điều kiện và lợi thế thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị mới, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hai bên sông và góp phần từng bước nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Vui mừng bên cầu mới
Khó có thể nói hết được niềm vui của người dân Kon Tum khi những cây cầu vượt sông Đăk Bla, sông Đăk Snghé, sông Đăk Pne, sông Pô Kô…được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đi dọc sông Đăk Bla, các cây cầu đã và đang xây dựng nổi bật giữa dòng sông, những nhịp cầu nối liền đôi bờ. Đứng bên nhịp cầu, tôi bắt gặp những ánh mắt rạng ngời niềm vui, hân hoan của người dân. Ngay tại chân cầu số 1 nối giữa phường Thắng Lợi và xã Đăk Rơ Wa, ông A Đen (52 tuổi, thôn Kon Tum Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa) vừa chăm sóc, làm cỏ trên bãi bắp phấn khởi tâm sự: Mình không nghĩ lại xây cầu ngay trên bãi đất trồng bắp của nhà mình. Mình mừng lắm. Trước đây, mỗi lần từ làng muốn qua trung tâm thành phố phải đi vòng qua cầu treo Kon Klor tới đường Bắc Kạn mới vào trung tâm thành phố rất xa. Củ mì, trái bắp thu hoạch phải đi đường vòng rất xa, tốn chi phí vận chuyển. Nhưng, cầu xây xong không chỉ thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản mà còn rút ngắn quãng đường từ làng vào phố.
Tương tự, chia sẻ niềm vui khi có thêm những cây cầu được xây dựng nối liền khoảng cách hai bờ sông Đăk Bla, ông A Linh (thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang) cho biết: Nhà mình ở bên này, nhưng ruộng, rẫy đều làm bên kia sông (phía xã Đoàn Kết), hàng ngày đi làm mình phải chèo thuyền. Giờ cầu được xây dựng mình và bà con mừng lắm. Cầu hoàn thành nên việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi.
Cùng chung niềm vui bên nhịp cầu, người dân thôn 6, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết khi năm 2019, cây cầu cầu bê tông cốt thép kiên cố bắc qua dòng sông Đăk Pne được xây dựng hoàn thành thay thế cho chiếc cầu treo bấp bênh. Giờ đây, những chiếc xe bon bon nối đuôi nhau đi qua; những đứa trẻ tung tăng đi đến trường trên cây cầu mới…Những hình ảnh đó đã trở thành hiện thực mà người dân thôn 6 xã Tân Lập vẫn tưởng là mơ. Ai ai cũng mừng vui.
|
Khi cây cầu được xây dựng, khó có thể tả hết niềm vui mừng của người dân thôn 6. Bởi, hơn 20 năm qua, cả trăm hộ dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng vì con sông Đăk Pne ngăn cách. Các loại phương tiện phải đi đường vòng gần 15km để vận chuyển nông sản. Thậm chí, trước đây, đã có nhiều năm, đến mùa thu hoạch mì, bà con thu xong nhưng gặp phải trời mưa liên tục, xe không vào chở kịp được đành phải để thối trên rẫy. Thế là bao công lao một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại mất trắng chỉ vì đường khó khăn, không có cầu qua sông để các phương tiện có thể đến thu mua vận chuyển.
Gặp chúng tôi tại quán nước ngay đầu cầu Quốc lộ 24, ông Nguyễn Văn Kiều (thôn 6) nở nụ cười hiền, nét mặt tươi vui bày tỏ niềm vui mừng khi được nhà nước quan tâm xây cho cây cầu bê tông cốt thép này. Không vui sao được, không chỉ bản thân ông mà hàng trăm người dân thôn 6 cũng vô cùng vui mừng khi mong ước bao năm nay đã thành hiện thực. Ông Kiều chia sẻ: Gia đình tôi đang có hơn 4 ha cao su, cà phê và các loại cây trồng khác. Cầu được xây dựng chúng tôi rất vui, cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm. Từ nay, chúng tôi không phải nơm lớp lo đến mùa thu hoạch nông sản xe không vào vận chuyển được, giá cả cũng không bị ép nữa, thuận mua vừa bán. Giờ đây, ai mua giá cao thì bán, bởi xe có thể vào bốc hàng bất cứ lúc nào.
Cây cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng là niềm vui vô bờ bến của người dân thôn 6, nhưng có lẽ người vui mừng nhất là gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng (49 tuổi, thôn 6, xã Tân Lập). Gặp chúng tôi, niềm vui của ông Hùng hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt. Ngày xưa khi chưa có cầu thì nhà ông Hùng là hộ ở vùng sâu, vùng xa nhất, hộ cuối cùng của thôn 6 nhưng giờ đây, khi cầu được xây dựng xong, nhà ông lại trở thành đầu thôn, vì nằm ngay đầu cầu.
Từ khi cầu được hoàn thành, đưa vào sử dụng, vào buổi chiều mát, gần như ngày nào ông Hùng đi bộ, tập thể dục, ra cầu hóng mát, ngắm dòng sông, hít thở không khí trong lành trên cây cầu mơ ước.
Hàng loạt cây cầu được quan tâm xây dựng đã nối liền hai bờ sông Đăk Bla, sông Đăk Snghé, Đăk Pne, Pô Kô. Đó là động lực quan trọng để tỉnh ta mở rộng không gian, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị thêm đặc sắc, giúp các thôn làng có nhiều đổi thay từng ngày. Mùa xuân ấm đang đến mọi nhà từ những nhịp cầu./.
Phúc Nguyên