Không để giá cả “nhảy múa” dịp Tết
Để kiểm soát giá cả thị trường dịp Tết, đảm bảo sự bình ổn, không “nhảy múa”, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả.
Các số liệu thống kê về công tác quản lý giá mới nhất cho thấy, diễn biến giá cả thị trường hiện đang thể hiện tính ổn định và được kiểm soát khá tốt. Theo báo cáo của Sở Tài chính, trong tháng 12/2024, giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn, không có hiện tượng ghim hàng tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2024 tăng 0,6% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,57%; khu vực nông thôn tăng 0,62%).
Giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ biến động nhẹ, như thóc tẻ 9.800đồng/kg (giảm 89 đồng/kg), gạo tẻ loại thường giá 18.633 đồng/kg (tăng 41 đồng/kg).
|
Giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có tăng không đáng kể so với tháng 11/2024, như thịt heo hơi 64.333 đồng/kg (tăng 296 đồng/kg), thịt heo nạc thăn 118.500 đồng/kg (tăng 167 đồng/kg), thịt bò thăn 244.000 đồng/kg (tăng 1.778 đồng/kg). Một số mặt hàng còn quay đầu giảm, như thịt bò bắp 215.667 đồng/kg (giảm 1.741 đồng/kg), gà ta 123.667 đồng/kg (giảm 1.519 đồng/kg).
Giá vật liệu xây dựng, chất đốt; dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ giao thông bình quân giữ mức ổn định so với tháng 11/2024.
Tết Nguyên đán cận kề, thị trường hàng hóa đã “nóng” lên từng ngày. Do nhu cầu của người dân tăng cao cho nên các siêu thị, nhà phân phối, chợ truyền thống đã chủ động nhập, dự trữ hàng hóa thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, nhất là bánh ngọt, kẹo, mứt, nước ngọt.
Nguồn cung các mặt hàng dồi dào, đa dạng, chất lượng hàng hóa được các đơn vị chức năng tích cực rà soát, giám sát, nên giá cả hàng hóa dịp cuối năm chưa có biến động bất thường. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhất là đối với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao, để kích cầu sức mua.
Tuy nhiên, khoảng thời gian giáp Tết là đỉnh điểm mua sắm của mọi nhà, mọi người với mong muốn đón một cái Tết đủ đầy, tươm tất. Do vậy, giá cả hàng hóa vẫn có thể có diễn biến khó lường, dù nguồn cung được đánh giá là dồi dào. Theo khảo sát hàng năm, vào cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng có thể tăng 10-30%.
Đáng lo ngại là, đi cùng với nhu cầu và mức tiêu thụ hàng hóa tăng sẽ dẫn đến các hành vi gây bất ổn thị trường, như vi phạm quy định kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Đáng lo ngại hơn là tình trạng đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý.
Đây chính là lúc các chính sách quản lý của Nhà nước phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho thị trường hàng hóa vận hành ổn định, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra với các ngành chức năng lúc này là kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đẩy mạnh tổ chức thực hiện theo thẩm quyền công tác niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các tuyến và địa bàn trọng điểm.
|
Ngày 8/1, UBND tỉnh có văn bản số 76/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.
Trong đó, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân (như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu khác).
Triển khai quyết liệt Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần triển khai tốt Chương trình bình ổn thị trường cuối năm (Chương trình).
Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ có 2 đơn vị đăng ký tham gia, gồm Siêu thị WinMart và Siêu thị Co.opmart với tổng lượng hàng hóa tham gia bình ổn trên 9,39 tỷ đồng bằng vốn của doanh nghiệp, không đăng ký vay vốn ngân sách nhà nước.
Đây là chương trình đã chứng minh được hiệu quả trong bình ổn giá và bình ổn thị trường. Bởi không chỉ cung cấp hàng hóa dồi dào, có chất lượng với giá bình ổn trong giai đoạn nhu cầu tăng cao, từ đó giảm áp lực về cầu gây tăng giá đột biến, mà còn góp phần đấu tranh với tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi.
Qua khảo sát hàng năm cho thấy, các doanh nghiệp tham gia Chương trình hàng năm đã thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giá cả, số lượng và địa chỉ cụ thể của từng điểm bán hàng bình ổn giá với cơ quan chức năng. Tổ chức bán hàng hóa tham gia bình ổn theo Chương trình đã đăng ký đảm bảo chất lượng, an toàn. Tất cả các mặt hàng bình ổn đều được niêm yết giá công khai, rõ ràng và thống nhất ở tất cả các điểm tham gia bán hàng bình ổn.
Có thể nói, việc triển khai Chương trình là yếu tố quan trọng để giảm thiểu tình trạng khan hàng, cũng như ngăn chặn giá cả “nhảy múa”, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu. vùng xa..
Hồng Lam