Đổi thay ở Đăk Trăm
Những con đường bê tông phẳng lì; những ngôi nhà nằm san sát, những rẫy cà phê, bời lời, cao su xanh ngát phủ xanh những quả đồi; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cái đói đã được đẩy lùi, hộ nghèo cũng giảm nhanh… là những đổi thay mà chúng tôi cảm nhận được khi trở lại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô).
Nhớ lại 20 năm về trước, quãng đường từ trung tâm huyện Đăk Tô đến xã Đăk Trăm chỉ gần 20km nhưng vào mùa mưa cũng phải đi mất mấy tiếng đồng hồ. Nhưng giờ đây đã khác, chỉ chưa đầy nửa tiếng là có thể đến trung tâm xã trên con đường trải bê tông nhựa. Đi sâu vào các thôn làng thì hầu hết các tuyến đường liên thôn đã được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, trao đổi, buôn bán hàng hóa.
Theo tìm hiểu được biết, từ các nguồn đầu tư của Nhà nước, cấp ủy Đảng, chính quyền Đăk Trăm đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã. Cùng với đó, xã tích cực vận động người dân tham gia ngày công, hiến đất, góp tiền để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học…Ngoài ra, Đăk Trăm cũng ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa các công trình phúc lợi nước sinh hoạt, hệ thống kênh mương phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân…
Vì vậy, cơ sở hạ tầng ở Đăk Trăm ngày càng đổi thay. Đến nay, toàn xã có 100% đường trục chính được nhựa hóa; có 3,43 km đường trục thôn được nhựa hóa, bê tông hóa (đạt 100%); 85,6% đường ngõ xóm được bê tông hóa và có trên 56% số km đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm. Hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của bà con; 100% hộ dân trong xã được dùng điện lưới quốc gia.
|
Đến nay, Đăk Trăm đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt trên 23,6 triệu đồng, tăng 12,6 triệu đồng so với năm 2015.
Đến Đăk Trăm hôm nay, điều khiến tôi hết sức ấn tượng bởi sự thay đổi về nhận thức cũng như phương thức lao động sản xuất. Người dân đã tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao đời sống.
Trong số 49 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo của huyện Đăk Tô thì Đăk Trăm có đến 18 hộ. Họ là những gia đình có ý chí vươn lên thoát nghèo bằng kinh tế hộ gia đình; mạnh dạn vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả; sinh đẻ ít để tập trung cho lao động sản xuất... Việc viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc họ sẽ không được miễn giảm các khoản tiền đóng góp, các chế độ hỗ trợ. Thế nhưng, để giảm bớt gánh nặng cho địa phương, cho Nhà nước, họ sẵn sàng làm đơn xin thoát nghèo. Điều đó cho thấy một sự thay đổi lớn, chuyển biến về nhận thức của người dân.
“Việc có hàng chục hộ dân viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo cho thấy công tác tuyên truyền đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Người dân đã nâng cao được nhận thức, nêu cao tính tự lực, tự cường trong lao động, phát triển kinh tế. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2019, bình quân mỗi năm xã đã giảm được trên 3,8% số hộ nghèo. Đến nay, xã chỉ còn 24,35% hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm 7,52%” - ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm phấn khởi nói.
Phải nói rằng, sự đổi thay ở Đăk Trăm hôm nay là cả một quá trình kiên trì tuyên truyền, vận động; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự chung sức, chung lòng, quyết tâm của đồng bào các dân tộc trong xã. Đồng bào Xơ Đăng ở Đăk Trăm hôm nay đang tích cực lao động sản xuất, nâng cao cuộc sống, góp phần xây dựng mảnh đất Đăk Trăm ngày càng phát triển.
Phúc Nguyên