Đối mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại
Thời gian qua, ngành Công thương tỉnh đã không ngừng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển sau đại dịch Covid-19, ngành Công thương đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương. Trong đó, chú trọng hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Hiểu rõ vai trò của xúc tiến thương mại, ngành Công thương luôn theo dõi và nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại cấp Quốc gia của Bộ Công thương để kết nối cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia và để doanh nghiệp có định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Trong 4 tháng đầu năm, ngành Công thương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức đoàn đoanh nghiệp của tỉnh tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành và các trung tâm siêu thị, thương mại, nhà phân phối, điểm bán hàng OCOP tại nhiều địa phương trong cả nước. Qua đó, các doanh nghiệp đã ký kết được nhiều hợp đồng, hợp tác liên danh, mở rộng thị trường tiêu thụ với các nhà phân phối trong cả nước.
Tại địa bàn tỉnh, Sở Công thương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan vận động doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh tại Diễn đàn “Du lịch Kon Tum -Tiềm năng và triển vọng” năm 2022. Thông qua các hoạt động này đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm Kon Tum, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm hợp đồng liên kết, hợp tác trong phát triển, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, việc duy trì và phát huy điểm bán hàng OCOP cũng góp phần tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh được trưng bày, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn xúc tiến thương mại Quốc gia để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, maketting, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Theo ông Võ Văn Mười, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg (ngày 22/11/2021) về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030”, trên cơ sở đó, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch hành động số 261/KH-UBND này 26/1/2022 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022 và Kế hoạch khung giai đoạn 2022-2025.
Ở tỉnh ta, các hoạt động xúc tiến thương mại số còn tương đối mới mẻ, số lượng doanh nghiệp tham gia các ứng dụng trong hoạt động chuyển đổi số còn chưa đồng đều, khả năng tiếp cận còn nhiều hạn chế. Do đó, Sở Công thương đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hiện tại, đã có 258 doanh nghiệp đang được hỗ trợ đăng tải quảng bá, giới thiệu hơn 508 sản phẩm của tỉnh trên Sàn thương mại điện tử Kon Tum, hỗ trợ xây dựng tạo lập các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như lazada, shopee. Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng thường xuyên cung cấp thông tin các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến, tham gia hội chợ thực tế ảo 3D, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận và từng bước khai thác hiệu quả thương mại số.
Mục tiêu mà tỉnh ta đề ra là đến năm 2025, có trên 200 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin. Hoàn thiện được cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến thương mại của tỉnh, kết nối có hiệu quả với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Hỗ trợ được 200 lượt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Có thể nói, để hàng hóa của tỉnh ngày càng vươn xa hơn trên thị trường, nhất là thị trường ngoài nước, thì việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại, trong đó có xúc tiến thương mại số đóng vai trò vô cùng quan trọng. Qua đó, tạo động lực khích lệ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển.
Thùy Hương