Doanh nghiệp gỗ đối mặt với biến động thị trường
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành gỗ bị dừng các đơn hàng và dự báo khó khăn có thể tiếp tục kéo dài từ 3 - 6 tháng tới, thậm chí là tác động kép nhiều vòng đến cuối năm và kéo dài sang năm 2021.
Hiện nay, những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả EU, Mỹ đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tới các thị trường này sụt giảm. Ngành gỗ trong nước nói chung, ngành gỗ Kon Tum nói riêng đang nỗ lực khắc phục khó khăn, xử lý nhiều vấn đề tồn đọng để nhanh chóng thích nghi với biến động thị trường.
Trước đây, mặc dù thị trường các nước trong Liên minh Châu Âu và Mỹ có nhu cầu lớn về các mặt hàng gỗ, nhưng do thiếu nguồn nguyên liệu và sự cạnh tranh của các nước có hàng gỗ xuất khẩu về giá cả, mẫu mã, chất lượng… nên việc tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ năm 2018, Việt Nam mở rộng thị trường gắn với cam kết hợp tác quốc tế, đặc biệt là đàm phán và thực thi với Liên minh Châu Âu về Hiệp định thương mại tự do, qua đó giúp các doanh nghiệp gỗ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp gỗ trong tỉnh nói riêng có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Năm 2019, ngành gỗ trong tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu trên 154 triệu USD (có giá trị cao nhất từ trước đến nay), đặc biệt là mặt hàng bàn ghế gỗ.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành gỗ bị dừng các đơn hàng và dự báo khó khăn có thể tiếp tục kéo dài từ 3 - 6 tháng tới, thậm chí là tác động kép nhiều vòng đến cuối năm và kéo dài sang năm 2021, nên các doanh nghiệp gỗ đang phải tìm mọi cách để cắt giảm tối đa chi phí, kể cả chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí lao động.
Mặc dù, nguyên liệu sản xuất đồ gỗ chủ yếu sử dụng từ rừng trồng trong nước, số còn lại nhập từ Châu Âu, Mỹ, các nước ngoài vùng dịch nên ít bị ảnh hưởng, nhưng các phụ kiện (ray trượt, dây đai, bản lề...), vải sợi, chi tiết kim loại và đơn hàng kết hợp sản phẩm gỗ giữa Việt Nam - Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn; các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời đã gần vào cuối mùa hàng... nên khả năng xuất khẩu được nguồn hàng càng khó khăn hơn.
Ngành chế biến xuất khẩu gỗ mang tính thời vụ. Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận đơn hàng vào cuối mỗi năm; sáu tháng tiếp theo là quá trình chuẩn bị nguyên liệu, tổ chức sản xuất. Hàng sẽ bắt đầu được giao cho đối tác vào nửa cuối của năm sau. Từ thời điểm bắt đầu giao hàng đến thời điểm nhận đơn hàng mới cho năm sau là giai đoạn các doanh nghiệp chế biến cần sử dụng nhiều lao động nhất.
|
Với tính chất mùa vụ như vậy, nhiều doanh nghiệp sử dụng hợp đồng có thời hạn với người lao động, thậm chí lao động không có hợp đồng, phải cân đối nguồn lực, kể cả thu chi về tài chính; chọn các phương án như cắt giảm giờ làm nhưng giữ nguyên số lượng nhân viên hoặc chuyển nhân viên sang làm việc bán thời gian; đăng ký nghỉ xoay ca; làm việc tại nhà để giảm thiểu chi phí vận hành, thuê mướn, di chuyển hoặc cho nghỉ hẳn.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Công ty TNHH Thiện Vương cho biết: Việc cho lao động nghỉ hẳn là điều không doanh nghiệp nào mong muốn. Mặc dù ngay lập tức doanh nghiệp chưa thể phục hồi, nhưng nếu vẫn giữ hoạt động kinh doanh ở trạng thái “bảo toàn”, cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu lại là hoàn toàn khả thi. Để tiếp tục tồn tại, nhiều doanh nghiệp vẫn phải cho nhân sự nghỉ việc không lương hoặc ra quyết định nghỉ hẳn với những bộ phận, phòng ban nhất định; khủng hoảng từ dịch bệnh làm cho chuỗi cung ứng từ ngành gỗ phải nhanh chóng tái cấu trúc, đẩy mạnh việc bán hàng online thay cách bán hàng truyền thống. Cùng với đó, có sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước sẽ tiếp thêm nguồn lực cho ngành gỗ vượt qua khó khăn. Niềm tin vào cơ hội “hậu Covid-19” đang khích lệ các doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc phục hồi của các doanh nghiệp, nhất là đối với ngành gỗ xuất khẩu, cần có thời gian và phải chờ đến khi đại dịch suy giảm hoặc đi qua thì mới có thể quay trở lại nhịp tăng trưởng cũ.
Dương Lê