Diện mạo mới trên chặng đường phát triển
Nhìn lại những kết quả đạt được 29 năm qua, chúng ta có quyền tự hào rằng, với sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành năng động và sáng tạo của các cấp chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh…, Kon Tum đã và đang vững bước trên hành trình phát triển.
Nhớ lại những ngày “ra riêng”
Ngày 12/8/1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đến nay, trải qua 29 năm thành lập lại, tỉnh Kon Tum đã có nhiều thay đổi diệu kỳ.
Tôi đến Kon Tum lập nghiệp vào năm 1996, sau 5 năm kể từ ngày thành lập lại tỉnh. Lần đầu tiên đến với thị xã Kon Tum, lòng tôi bồi hồi xúc động, bởi những đường phố xanh màu cây cối, chật hẹp, ít nhà hàng, quán ăn và chưa đến 21 giờ đêm đã vắng người và xe cộ qua lại. Thành phố bình yên và đáng yêu đến lạ thường!
Vì nghề nghiệp, tôi có điều kiện đi đến rất nhiều thôn, làng đồng bào DTTS trong tỉnh, nhưng bấy giờ giao thông đi lại vô cùng khó khăn, có nơi đến được cũng phải đi xe ô tô mất mấy ngày đường, thậm chí có nhiều xã không có đường giao thông đi đến trung tâm xã. Ở đó, tôi đã thấy cuộc sống của bà con phần lớn là tự cung, tự cấp, còn rất nhiều khó khăn, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại.
Nhớ lại những ngày đó, ngoài những vườn cà phê, cao su của các nông trường quốc doanh mới hình thành và phát triển, bà con nông dân các dân tộc trong tỉnh chủ yếu độc canh cây lúa nước với trên 2.550 ha. Trình độ sản xuất các loại cây nông nghiệp còn hạn chế, bình quân lương thực đầu người chỉ đạt 295 kg/năm và thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ đạt 88,6 USD. Vì thế, toàn tỉnh có trên 60% số hộ nghèo.
|
Trong khi đó, các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở tỉnh còn manh mún và nhỏ bé, chất lượng sản phẩm chưa cao và số lượng sản phẩm chưa nhiều; ngành thương mại và dịch vụ chưa phát triển. Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tỉnh chỉ có 7,8 tỷ đồng/năm. Nguồn thu thấp, không đáp ứng cho công tác vận hành bộ máy hành chính các cấp, nói chi đến dư thừa để xây dựng cơ sở hạ tầng, tái thiết tỉnh nhà đang còn khó khăn, bề bộn.
Một người thân của tôi là Trung tá Trần Văn Lan - cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Kon Tum thời bấy giờ kể rằng, sau chiến tranh, bọn Fulro vẫn còn lén lút hoạt động trong núi rừng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh ta. Có những thời điểm chúng ngoan cố chống phá, làm cho người dân nhiều nơi lo sợ. Nhưng nhờ có sự đoàn kết đấu tranh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nên đến năm 1992, sau khi thành lập lại tỉnh được 1 năm, Fulro đầu hàng và tan rã toàn cục, người dân mới thực sự yên tâm lao động sản xuất tái thiết quê hương.
Năm 2012, trong một chuyến công tác về xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông - xã kết nghĩa với Sở Y tế theo Nghị quyết số 04- NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) “về đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn”, bác sĩ Bế Ngọc Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế (nay đã nghỉ hưu) kể với tôi rằng: “Sau khi thành lập lại tỉnh, ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, phần lớn người dân đau ốm chữa bệnh bằng thuốc nam truyền thống do ông bà “xưa bày, nay làm”. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn lạc hậu, nhưng cái chính là hệ thống y tế của tỉnh vừa yếu lại vừa thiếu, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Cụ thể, toàn tỉnh chỉ có 855 giường bệnh với 49 bác sỹ, bình quân 2 bác sĩ/1 vạn dân”.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh chỉ có 110 trường học các cấp, tỷ lệ người mù chữ chiếm đến 17,7%. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS thiếu thông tin và có đến 87,64% số xã, phường, thị trấn chưa có điện để sinh hoạt…
Những thay đổi diệu kỳ
Trải qua 29 năm với 6 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (từ khóa X-XV với những quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng đúng đắn của tỉnh và sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Kon Tum ngày càng đổi thay khởi sắc.
Đến nay, tỉnh ta đã phá được thế ngõ cụt về giao thông. Trong đó, đường Hồ Chí Minh và các Quốc lộ 14C, 24 nối tỉnh ta với các tỉnh lân cận trong nước, đồng thời thông thương với nước bạn Lào trong khuôn khổ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Qua đó, tạo điều kiện để tỉnh ta có điều kiện mở rộng lưu thông hàng hóa, thị trường tiêu thụ, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 02- NQ/TU ngày 20/4/2007 của Tỉnh ủy khóa XIII “về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020”, đến nay, cả 3 vùng kinh tế động lực (vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum gắn với các Khu Công nghiệp Hòa Bình và Sao Mai, vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông gắn với Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi gắn với Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y) đang tạo ra những chuyển biến tích cực, đồng thời là những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.
|
Dõi theo việc phát triển vùng kinh tế động lực, mỗi lần đến thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông là mỗi lần tôi thấy háo hức, như đang trẻ lại trước những đổi thay, những sắc thái mới nơi này. Ở đó, tôi được đắm mình với những căn nhà biệt thự nằm dưới những hàng cây thông vi vu trong mây gió; những tuyến đường bê tông, láng nhựa rộng dẫn vào các khu trung tâm sầm uất bán buôn những mặt hàng dược liệu, những sản phẩm truyền thống qua những bàn tay khéo léo của người dân các DTTS tạo nên; những điểm du lịch văn hóa, tâm linh; khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; những khu nhà mới xây... đẹp và hài hòa trong một không gian lãng mạn. Và vui mừng hơn nữa bởi thị trấn cao nguyên đại ngàn này còn là Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ dưỡng và thưởng lãm, thu về hàng chục tỷ đồng từ ngành “công nghiệp không khói”.
Hay có dịp lên huyện biên giới Ngọc Hồi, đến Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y chứng kiến những đoàn xe container chở hàng hóa qua lại biên giới 2 nước Việt - Lào nhộn nhịp ngày đêm, mới thấy sự giao lưu phát triển thương mại hai chiều tạo ra sức bật mới cho nhân dân vùng biên hai nước và khu vực.
Với thành phố Kon Tum, từ một thị xã nhỏ bé nằm khép mình bên dòng sông Đăk Bla ngày nào, nay trở thành một thành phố trên đà phát triển và mở rộng ra nhiều hướng. Các tuyến đường giao thông mới mở rộng thênh thang, các khu dân cư mới, các siêu thị, nhà hàng, ngân hàng, khu vui chơi giải trí… làm cho bộ mặt thành phố bề thế hơn và hiện đại hơn.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay của tỉnh ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 6.112 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.005 tỷ đồng, trong đó các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển. Thu ngân sách nhà nước ước khoảng 1.532 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, có nhiều nhà đầu tư lớn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Và tính đến ngày 31/5/2020, thu hút 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4.645,8 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 177 trường đạt chuẩn quốc gia; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được quan tâm, hiện có 97 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã, chiếm tỷ lệ 95,1%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 91%; tỷ lệ hộ nghèo còn 13,62%…
Dù còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục nỗ lực thực hiện có hiệu quả sự nghiệp đổi mới và phát triển, nhưng với những gì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh 29 năm qua đã kiến tạo được một diện mạo mới, đặt nền móng quan trọng, tạo ra những động lực mới để việc xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh, bền vững và cuộc sống người dân ngày một no ấm hơn.
Trần Văn Phúc