Điểm sáng trong công tác chỉnh trang đô thị ở Sa Thầy
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định số 31/QĐ-UBND, ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh về 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế- xã hội, huyện Sa Thầy phát huy sự năng động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các nguồn lực và đạt được những kết quả tích cực, nổi bật là trong công tác chỉnh trang đô thị.
Ngày nay, khi đặt chân vào cửa ngõ thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi những đổi thay vượt bậc về diện mạo đô thị. Dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại đang hình thành trên vùng đất vốn khô cằn, nắng cháy trước đây.
Ngược dòng thời gian, chúng ta được biết thị trấn Sa Thầy được thành lập cuối năm 1990 trên cơ sở chia tách từ xã Sa Sơn. Trải qua quá trình nỗ lực xây dựng và phát triển, đầu năm 2018 thị trấn Sa Thầy được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Tuy nhiên, chất lượng một số tiêu chí chưa cao và thiếu tính bền vững.
Trong điều kiện đầu tư của Trung ương và tỉnh có hạn, để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, huyện Sa Thầy tăng cường phát huy nội lực, tập trung giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” về vốn để tạo nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, chỉnh trang khu dân cư và xây dựng các công trình công cộng. Huyện chủ trương khai thác hợp lý tiềm năng đất đai. Vì vậy, những diện tích đất nông nghiệp cằn cỗi, lâu nay người dân vẫn trồng cây mỳ, bời lời… hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả cao nhất.
|
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và từng giai đoạn cụ thể được tỉnh phê duyệt, UBND huyện xây dựng các dự án trình HĐND huyện ban hành nghị quyết; tổ chức triển khai việc thu hồi đất để phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng các điểm dân cư nông thôn. Thực hiện nghiêm quy định đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tái đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ trương đúng, nhưng khi triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “ Với địa hình đa phần là đồi núi, hố bom, nhiều khe suối cạn chia cắt..., do vậy, chi phí đầu tư giải phóng mặt bằng trước khi đưa vào khai thác, sử dụng rất lớn. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất thường gắn liền với lợi ích cá nhân nên không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận cao, nhất là những người có đất thuộc diện thu hồi”.
Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động gắn với phát huy dân chủ, công khai và bảo đảm quy định của pháp luật. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án quan trọng, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhiều dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư sớm được triển khai thực hiện trên địa bàn thị trấn. Trong đó, điển hình như Dự án điểm dân cư thôn 1. Với tổng mức đầu tư 72,28 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 17,8 ha (trong đó diện tích đấu giá là 9,1 ha và diện tích đầu tư cơ sở hạ tầng là 8,7 ha), đến nay, Dự án này hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đất ở cho hơn 500 hộ dân.
Bên cạnh đó là các dự án như: Điểm dân cư đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ C187 cũ đến C187 mới), điểm dân cư thôn 2, điểm dân cư dọc tuyến Trần Quốc Toản… với tổng diện tích khoảng 5,5 ha cũng đã được triển khai thực hiện.
Về chỉnh trang đô thị, huyện triển khai 12 dự án với tổng mức đầu tư 186,7 tỷ đồng. Trong đó, một số công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng như Sân vận động huyện Sa Thầy, Nhà thi đấu đa năng, Trung tâm văn hóa huyện, chợ Mới, Bến xe huyện; hệ thống thoát nước, vỉa hè, điện; các công viên cây xanh; các tuyến đường mở mới, mở rộng, nâng cấp (đường Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Đoàn Thị Điểm)... Trong đó, Bến xe huyện được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng mức đầu tư 10,3 tỷ đồng.
Các công trình trên, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng không những tạo sự đồng bộ cho hệ thống kết cầu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thị trấn mà còn tác động tích cực trong toàn huyện; đáp ứng cơ bản nhu cầu về đất ở của người dân, hình thành các khu dân cư tập trung, mở rộng không gian đô thị, góp phần thiết thực trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và thúc đẩy phát triển giao thương.
Bên cạnh đó, để công tác quản lý đô thị đi vào nề nếp, huyện chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát xây dựng; xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bảo đảm sự thông thoáng và trật tự an toàn giao thông; tạo môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp... trên địa bàn.
Phát huy tính năng động sáng tạo, tư duy dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong công tác tổ chức, điều hành và tạo sự đồng thuận của nhân dân, huyện Sa Thầy khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tạo được điểm sáng trong quá trình đầu tư chỉnh trang đô thị trên địa bàn.
Trần Văn Tiên