Để người dân hết lòng với rừng
Giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình là một chính sách lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước, với mục đích sử dụng hiệu quả rừng, đất lâm nghiệp; phát triển cộng đồng và nâng cao đời sống hộ gia đình thông qua nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Gắn quyền lợi với trách nhiệm
Tháng 1/2018, UBND tỉnh triển khai thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng trong 3 năm 2018-2020. Đối tượng tham gia là hộ gia đình, cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi và xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum.
Khi cộng đồng dân cư nhận đất, nhận rừng, về mặt pháp lý, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật.
Về kinh tế, cộng đồng được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư vào rừng tự nhiên, rừng trồng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.
Bên cạnh đó, còn có hàng loạt quyền lợi khác, như được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng do Nhà nước đầu tư; được bồi thường giá trị rừng, tài sản do chủ rừng đầu tư, xây dựng hợp pháp tại thời điểm quyết định thu hồi rừng; hỗ trợ kinh phí phát triển rừng sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai…
|
Đặc biệt, cộng đồng được giao đất, giao rừng còn được hưởng cơ chế hợp tác, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để bảo vệ và phát triển rừng; phát triển kinh tế rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa; sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản khác trên đất trồng rừng do chủ rừng đầu tư.
Tất nhiên, khi được hưởng các quyền lợi trên, cộng đồng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững theo quy định của pháp luật; thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng; trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định. Phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng. Chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoàn thiện, thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng; bảo đảm duy trì diện tích rừng được giao; không được phân chia rừng cho các thành viên trong cộng đồng dân cư; không được chuyển nhượng, cho thuê, tặng, cho quyền sử dụng rừng; không được thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng.
Sau 3 năm thực hiện, phương án thí điểm đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, 3 cộng đồng được giao đất giao rừng thu nhập hơn 2,1 tỷ đồng, bình quân mỗi cộng đồng thu nhập 703,1 triệu đồng.
Rừng được bảo vệ tốt hơn bởi nhận thức của cộng đồng và người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân chủ động tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, không còn coi đây là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.
Đất rừng được sử dụng hiệu quả hơn, từ đó tạo việc làm, tạo thêm thu nhập, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ DTTS. Sau khi nhận đất, nhận rừng, cộng đồng đã biết khoanh nuôi phục hồi rừng, có trồng bổ sung cây lâm nghiệp, trồng rừng bằng các loài cây bản địa.
Có thể nói, đây là hình thức bảo vệ rừng hiệu quả nhất, bởi phát huy được lợi thế về lực lượng của cộng đồng; có thể tạo nên sự đồng thuận của người dân; có thể kết hợp giữa luật tục (quy ước) và luật pháp trong bảo vệ và phát triển rừng; phát huy được vai trò của già làng, người có uy tín trong tập hợp cộng đồng giữ rừng.
Để người dân hết lòng với rừng
Những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện phương án thí điểm là căn cứ để UBND tỉnh quyết định triển khai Đề án giao rừng cho cộng đồng gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển kinh tế rừng giai đoạn 2021-2025 với quy mô toàn tỉnh.
Mục tiêu đề ra là đảm bảo 15.616,06ha rừng và đất lâm nghiệp được bảo vệ, phục hồi và phát triển một cách bền vững, trên nguyên tắc rừng và đất rừng phải có chủ thật sự; huy động nguồn lực của các hộ gia đình, cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đây cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát huy lợi thế rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
|
Theo Đề án, sau khi giao đất giao rừng, sẽ dành phần lớn kinh phí (hơn 72,3 tỷ đồng/90,6 tỷ đồng tổng kinh phí đề án) để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển cộng đồng.
Trong đó, sẽ hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên diện tích được giao theo quy hoạch rừng. Hỗ trợ các hoạt động khoanh nuôi phục hồi rừng có trồng bổ sung cây lâm nghiệp hoặc trồng xen cây nông nghiệp.
Đặc biệt, sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ trồng dược liệu dưới tán rừng (sâm Ngọc Linh) và dược liệu tập trung (hồng đẳng sâm; sa nhân tím, sâm cau); thí điểm mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ (trồng song mây, cu ly); xây dựng mô hình mẫu nông lâm kết hợp.
Theo dự kiến, bên cạnh nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, khi các chính sách hỗ trợ được thực thi, sau 4 năm thực hiện đề án các cộng đồng sẽ thu nhập khoảng 181 tỷ đồng, trừ đi chi phí đầu tư theo đề án 88,2 tỷ đồng hiệu quả đem lại ước đạt 92,8 tỷ đồng.
Rừng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, sản xuất của cộng đồng DTTS sống gần rừng, ngược lại, cộng đồng sống gắn bó với rừng, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng rừng. Tin rằng, với hệ thống chính sách hỗ trợ cụ thể từ Đề án, sẽ là “chất keo” gắn kết, để cộng đồng, người dân hết lòng với rừng.
Hồng Lam