Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP
Toàn tỉnh hiện có 148 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá, 14 sản phẩm đạt 4 sao, 127 sản phẩm đạt 3 sao). Kết quả này phản ánh đúng tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể như nguồn kinh phí triển khai thực hiện chủ yếu từ Trung ương hỗ trợ (năm 2021 chưa có kinh phí phân bổ); tỉnh chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho các chủ thể; công chức phụ trách Chương trình OCOP còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Chương trình.
Thực tế, với điều kiện đặc trưng về địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh ta có thể phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của tỉnh. Theo đó, số lượng sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của các địa phương trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì việc lựa chọn, tổ chức sản xuất những sản phẩm mang tính đặc trưng chủ yếu mang tính tự phát, thủ công, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy cách mẫu mã sản phẩm còn hạn chế, thiếu cơ sở để xác nhận đảm bảo quy định của Chương trình OCOP. Ngoài ra, việc sản xuất chưa được gắn liền với chế biến và xúc tiến thương mại nên giá trị sản phẩm còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Một số địa phương ở các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Đăk Hà… có lợi thế về sản phẩm dược liệu, sản phẩm khai thác dưới tán rừng, nhưng phần lớn được chế biến đơn giản, một số sản phẩm mới chỉ dừng lại ở dạng trà, nước uống thông thường và nhiều sản phẩm trùng nhau, thương hiệu chưa thật sự nổi bật.
Mặc dù có những khó khăn như vậy, nhưng một số chủ thể chủ động nỗ lực vươn lên để khắc phục những hạn chế, tìm kiếm đối tác để liên kết mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Ông Phạm Xuân Bé- Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà), chủ thể có 2 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 4 sao cho biết, HTX của ông có vùng nguyên liệu cà phê rộng 158ha (80ha được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP). Tham gia Chương trình OCOP, ngoài những nội dung được Nhà nước hỗ trợ, HTX đã chủ động kết nối với các tổ chức kinh tế tập thể khác trên địa bàn tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Song song với đó, đơn vị mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ sinh học thông minh trong sản xuất, chăm sóc cà phê và tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản lượng cà phê của HTX vẫn tăng trưởng.
Ông Đào Ngọc Thuận- Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ thương mại Cao Nguyên Coffee (thôn Kon Hring, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum), chủ thể của 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao chia sẻ, từ khi tham gia Chương trình OCOP, HTX được tiếp cận và hỗ trợ cách chuẩn hóa các sản phẩm của mình và được tham gia các kênh mua bán điện tử, hội chợ giới thiệu sản phẩm. Từ lợi ích của Chương trình OCOP mang lại, các sản phẩm của HTX được nhiều người tiêu dùng biết đến, nên ông Thuận cho hay trong thời gian tới, HTX sẽ đầu tư và nỗ lực nhiều hơn nữa để tổ chức sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao giá trị và chất lượng cho các sản phẩm.
|
Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương tổ chức xây dựng hàng chục phóng sự, chuyên mục về Chương trình OCOP; chủ trì tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP cho 42 chủ thể; phối hợp cung cấp dữ liệu thông tin các sản phẩm OCOP của tỉnh cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương để xây dựng dữ liệu chung trên toàn quốc, phục vụ công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng với hệ thống siêu thị; hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP của mình tại các cửa hàng OCOP và tại các sự kiện, hội nghị lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, để việc triển khai Chương trình OCOP đạt kết quả cao, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình OCOP đảm bảo theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển các sản phẩm có thương hiệu và chất lượng, tăng cường các giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với các chủ thể, cần chủ động lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhất, chuẩn hóa sản phẩm theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường; tổ chức thực hiện các thủ tục, yêu cầu tham gia Chương trình OCOP sau khi được hỗ trợ hướng dẫn; ưu tiên thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận và tiếp tục nỗ lực tìm kiếm đối tác liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.
Đức Thành