Để góp phần đưa kinh tế nông nghiệp huyện Đăk Tô “cất cánh”
Vừa qua, UBND huyện Đăk Tô phối hợp với Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Tô. Tại đây, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP nhằm giúp kinh tế nông nghiệp của địa phương “cất cánh”.
Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, cho đến nay sản xuất nông nghiệp vẫn là lợi thế và là ưu tiên hàng đầu của huyện Đăk Tô. Vì vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn là một mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh trong quá trình phát triển mà cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của huyện Đăk Tô luôn luôn xác định trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề xã hội khác. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng và các sản phẩm OCOP là những sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
|
Theo số liệu thống kê, hiện nay huyện Đăk Tô đã có 11 sản phẩm OCOP của 6 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá tốt về chất lượng, mẫu mã, có giá cả phù hợp.
Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Tô” tổ chức vào ngày 21/4 vừa qua, lãnh đạo UBND huyện Đăk Tô cho biết, song song với công tác bồi dưỡng kiến thức Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ, công tác tuyên truyền cũng được huyện triển khai sâu rộng đến người dân trên địa bàn, nhằm vận động, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tích cực tham gia Chương trình, nhất là những cá nhân, tổ chức đã có sản phẩm nhưng chưa có hồ sơ để tham gia.
Ngoài hướng dẫn cho các chủ thể về quy trình, thủ tục hồ sơ, huyện Đăk Tô chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, tạo điều kiện cho các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất.
Từ năm 2019 đến nay, thông qua nguồn vốn nhà nước với 2,5 tỷ đồng, huyện Đăk Tô đã hỗ trợ một phần kinh phí cho 4 chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền chế biến sản phẩm; hỗ trợ 2 chủ thể liên kết với các hộ dân, tổ hợp tác xây dựng 63ha cà phê vối theo tiêu chuẩn VietGAP và 57ha mắc ca tập trung.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, bà Y Hằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, để các sản phẩm đặc trưng phát triển thành hàng hóa, hình thành sản phẩm OCOP, huyện Đăk Tô nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung cần tiếp tục tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương; tạo điều kiện và bố trí đất đai để xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm đặc trưng; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, lao động nông thôn; xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc chế biến để người dân biết, học hỏi và áp dụng.
Ông Nguyễn Lâm Cảnh- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh khẳng định, trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, UBND huyện Đăk Tô tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân và đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (giao thông, thủy lợi, internet, truyền hình, thông tin).
Với nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực tại Hội thảo và kinh nghiệm thực tiễn từ chủ thể tham gia chương trình OCOP, tin tưởng rằng trong thời gian tới, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Đăk Tô ngày càng được chú trọng đầu tư, phát triển thành sản phẩm có giá trị cao trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân địa phương.
Đức Thành