Đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng diện mạo đô thị khang trang
Trong những năm qua, thành phố Kon Tum tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp gắn với mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa. Qua đó, từng bước tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại, góp phần phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện có khoảng 460,43 km đường giao thông. Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh cùng với sự nỗ lực của địa phương, đến nay hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án, công trình quy mô lớn được đầu tư, giúp kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, liên kết với các vùng lân cận như: Quốc lộ 14, Quốc lộ 24, tuyến tránh đường Hồ Chí Minh, đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24… Các công trình cầu bắc qua sông Đăk Bla như cầu số 1, cầu số 3, cầu Trung tâm Hành chính tỉnh, cầu nối từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14… đã và đang dần được hoàn thiện. Nhiều tuyến đường nội đô và đường nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ. Giao thông phát triển tạo nên kết nối giữa thành phố Kon Tum với các địa phương của tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn.
|
Để tạo diện mạo đô thị thành phố Kon Tum khang trang và hiện đại, hiện nay, thành phố Kon Tum tiến hành triển khai Đề án chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh và hệ thống điện trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với hệ thống giao thông, thành phố Kon Tum quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất thương mại - dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, thành phố có mạng lưới chợ dân sinh tương đối quy mô như chợ Trung tâm thương mại Kon Tum, chợ phường Quyết Thắng, chợ Duy Tân, chợ khu vực phường Quang Trung. Đồng thời, thành phố kêu gọi và thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng kênh bán hàng hiện đại với một số siêu thị đã đi vào hoạt động như Co.opmart, Vincom Plaza, VinMart, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, hệ thống cửa hàng bán lẻ Comcome... góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố Kon Tum có một số cụm công nghiệp đã được quy hoạch và xây dựng như Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp xã Hòa Bình diện tích 70ha, Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phường Ngô Mây (70,26ha); Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm (62,6ha). Bên cạnh đó, theo Đề án “Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030”được UBND tỉnh phê duyệt, thì thành phố Kon Tum sẽ được bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp tại phía Nam thành phố với diện tích 569,5ha. Các Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đang từng bước sắp xếp, điều chỉnh và đầu tư về hạ tầng nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Những năm qua, thành phố Kon Tum cũng quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Theo đó, ngoài hệ thống công trình văn hóa do các cơ quan chuyên môn quản lý như: Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh; địa phương còn có 12 nhà rông văn hóa và 6 cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các trung tâm thể dục thể thao, các sân bóng đá mini, sân tenis, sân cầu lông, bóng chuyền; các điểm vui chơi ở khu dân cư ngày càng được mở rộng, phát triển, tạo điều kiện để đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe của người dân; qua đó, góp phần xây dựng nếp sống lành mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Nguyễn Thanh Mân cho biết: Thời gian tới, thành phố Kon Tum tập trung rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy trình về quản lý quy hoạch kiến trúc theo hướng đồng bộ và hợp lý. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tăng nguồn thu từ quỹ đất, thu hút đầu tư hình thành khu đô thị mới, khu dân cư mới, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mới. Đồng thời, tập trung triển khai đầu tư các công trình trọng điểm đã có chủ trương, nhất là các công trình hạ tầng khu dân cư thuộc các dự án quy hoạch, các công trình có sử dụng nguồn vốn của tỉnh, vốn ngân sách thành phố, vốn trái phiếu Chính phủ. Tăng cường huy động, thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực…để kêu gọi, chào đón nhà đầu tư gắn liền với việc đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư theo chủ trương của tỉnh. Thành phố cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành chức năng của tỉnh để quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư vào các danh mục dự án trên địa bàn thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt và các khu, cụm công nghiệp.
Với hiệu quả trong công tác quy hoạch và đầu tư, diện mạo đô thị thành phố Kon Tum ngày càng khởi sắc, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II.
Thiên Hương