Dấu ấn trên “mặt trận” sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao. Những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được hình thành, những vùng dược liệu quy mô lớn được xây dựng; các trang trại lớn, chuỗi liên kết được triển khai, đã và đang tạo dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Nhìn một cách tổng thể, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta 5 năm qua có bước phát triển vượt bậc với tổng sản phẩm ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 6.080 tỷ đồng, tăng 36,32% so với năm 2015. Diện tích các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, đến nay, tổng diện tích cao su đã trồng được 74.167 ha, tăng 17.279 ha, diện tích cà phê đạt 21.619 ha, tăng 6.349 ha so với năm 2015. Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 62,85%, tăng 0,22% so với đầu nhiệm kỳ. Chăn nuôi có bước phát triển, chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết và ứng dụng công nghệ cao; nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng trưởng khá với tổng sản lượng năm 2020 đạt khoảng 4.852 tấn, tăng 1.543 tấn so với năm 2015.
Dấu ấn rõ nét nhất là nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được triển khai và bước đầu tạo ra diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Đề án phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ năm 2016 -2020, ngân sách tỉnh đã bố trí 20.226 triệu đồng để triển khai các mục tiêu của đề án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) và vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà, đang xây dựng vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao Ia H’Drai; đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Kon Plông với tổng diện tích 170 ha; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao Đăk Hà và thành phố Kon Tum…
|
Tiềm năng đất đai được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tạo nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 32 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 11.698 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn như dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen với tổng vốn đăng ký 5.100 tỷ đồng; dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng; dự án đầu tư trang trại thực nghiệm rau, hoa, củ theo công nghệ Nhật Bản của Công ty Cổ phần Nông trại xanh Măng Đen; dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Công ty cổ phần bò sữa nông nghiệp công nghệ cao Kon Tum (Tập đoàn TH) với tổng vốn 2.544 tỷ đồng; dự án trồng cây ăn quả và Nhà máy chế biến hoa quả kết hợp du lịch trang trại của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Tây Nguyên (Tập đoàn TH) với tổng vốn 1.284 tỷ đồng…
Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn” cũng được ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.
Theo đó, có 2 cánh đồng lớn 50 ha trồng mía ứng dụng công nghệ cao, liên kết với Công ty cổ phần Đường Kon Tum tại xã Ia Chim ( thành phố Kon Tum) và các xã Đăk Trăm, Văn Lem, Ngọk Tụ (huyện Đăk Tô), 1 cánh đồng lớn 30 ha trồng bắp sinh khối chăn nuôi dê sữa, liên kết với Công ty Cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông), 1 cánh đồng lớn 20 ha trồng lúa nước tại xã Hiếu (huyện Kon Plông), 1 cánh đồng lớn 32 ha sản xuất lúa thơm, liên kết Tổ hợp tác tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà), 2 cánh đồng lớn 407 ha cà phê của 2 tổ hợp tác tại huyện Đăk Hà được sản xuất theo phương pháp canh tác cà phê bền vững.
Thông qua liên kết sản xuất cánh đồng lớn bằng hình thức hợp đồng liên kết, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào bằng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức, được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc và thu hoạch theo quy trình tiên tiến và được thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường và theo giá bảo hiểm. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.
|
Khai thác và phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, trong những năm gần đây, tỉnh ta chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu.
Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giống, phân bón vi sinh hữu cơ cho các hộ nghèo người DTTS trồng phát triển dược liệu, ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh - Kon Tum; danh mục sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh - Kon Tum” và Bộ tiêu chí chứng nhận cho sản phẩm; quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ; xây dựng phương án giao rừng, cho thuê rừng với tổng diện tích hơn 102.000 ha, trong đó có 10.000 ha rừng để phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng...
Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh với những chủ trương, chính sách phù hợp đã tạo ra “đòn bẩy” trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng sâu vùng xa là phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững ở những nơi này. Theo đó, diện tích sâm Ngọc Linh Kon Tum và các loại dược liệu khác ở các huyện ngày càng được mở rộng, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến. Hiện, tổng diện tích trồng dược liệu trên toàn tỉnh khoảng 1.264,5 ha; trong đó, có 660 ha sâm Ngọc Linh (doanh nghiệp khoảng 630 ha, người dân trồng phân tán khoảng 30 ha); đảng sâm 399,8 ha; đương quy 52 ha...
Các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, chế biến các sản phẩm từ dược liệu; triển khai xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế của các loại dược liệu. Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành liên quan áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn phòng chống hàng giả, hàng nhái trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để bảo vệ giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh của tỉnh.
Chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ; chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ngày càng được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 59 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn và vừa; trong đó có 1 trang trại chăn nuôi bò, 21 trang trại chăn nuôi heo, 32 trang trại chăn nuôi gia cầm, 1 trang trại chăn nuôi dê sữa và 4 trang trại tổng hợp. Hiện đã có 27 chuỗi liên kết được hình thành, trong đó có 18 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 6 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm; 2 chuỗi liên kết thức ăn và 1 chuỗi liên kết thủy sản.
Năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ 2015 - 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thị trường, thời tiết. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xác định, trong những năm tới vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với quyết tâm tiếp tục đưa nông nghiệp phát triển toàn diện theo đúng mục tiêu là nâng cao giá trị gia tăng; theo kịp với cuộc cách mạng 4.0 và đạt được giá trị bền vững nhất; những giải pháp đẩy mạnh năng suất, chất lượng, tận dụng và khai thác hiệu quả thế mạnh đã được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng cụ thể sẽ phát huy vai trò.
Thùy Hương