Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên hành trình giảm nghèo
Ông Lê Danh Thứ - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết, năm 2021 và quý I năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid - 19 nhưng Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực, chủ động, tập trung thực hiện vốn huy động tại địa phương và tính đến 31/3/2022 đạt 320 tỷ đồng, tăng 0,092 tỷ đồng so với năm 2021. Một số đơn vị đạt cao như huyện Ia H’Drai, Kon Plông ... Vốn nhận ủy thác của ngân sách địa phương 144,2 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so với năm 2021, đạt 95% kế hoạch năm.
Quý I năm 2022, Chi nhánh được giao kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng 191 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 255 tỷ đồng, với 5.925 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với cuối năm 2021, đạt 29,3% kế hoạch tăng trưởng, với 65.919 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Về chất lượng tín dụng, đến nay, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 10,3 tỷ đồng, chiếm 0,31%/tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn 8,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,26%, chủ yếu tập trung vào những hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú, đi làm ăn xa chưa có điều kiện trả nợ; nợ khoanh 1,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,1%. Một số đơn vị có chất lượng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn thấp như ở huyện Ia H’Drai, Kon Rẫy, Đăk Glei...
Tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.255 tỷ đồng, với 65.855 khách hàng còn dư nợ, trong đó, Hội Phụ nữ 1.233 tỷ đồng, Hội Nông dân 924 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 438 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên 660 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện thông qua 102 điểm giao dịch tại 102 xã, phường, thị trấn, với 1.667 tổ tiết kiệm và vay vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
|
Để đạt kết quả trên, Chi nhánh thường xuyên theo dõi, nắm bắt để hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro, bảo đảm đúng đối tượng; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững. Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 22.955 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với tổng số tiền là 957 tỷ đồng; giúp 150 sinh viên khó khăn được vay vốn số tiền là 2,5 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa, cải tạo 11.321 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn số tiền là 110 tỷ đồng; duy trì và tạo việc làm cho 3.262 lao động với số tiền 113 tỷ đồng... Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ triển khai hoạt động tín dụng chính sách với những giải pháp như: Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 30-KH/TU, ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 kịp thời, hiệu quả; triển khai có hiệu quả Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”; trên cơ sở kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở để bình xét cho vay.
Có thể khẳng định, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh, những đồng vốn ngày một chảy mạnh và phủ rộng, tích góp theo năm tháng cùng đôi tay cần mẫn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần nâng cao cuộc sống của chính họ, vun đắp ấm no và phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Kon Tum.
Nguyễn Thanh Hải