Đánh thức khát vọng sản xuất sản phẩm chất lượng cao của nông dân
Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mới được triển khai trên địa bàn tỉnh khoảng 2 năm nay, nhưng đã đạt những kết quả đáng mừng. Chương trình đã thực sự khơi dậy khát vọng sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao của nông dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.
Phải khẳng định rằng, các địa phương trên địa bàn tỉnh ta có nhiều sản phẩm đặc trưng có chất lượng, có giá trị. Tuy nhiên, trước đây, số lượng sản phẩm được người tiêu dùng biết đến không nhiều. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất của người dân nhỏ lẻ, chưa được đầu tư bài bản nên chưa tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường.
Từ khi Chương trình OCOP được triển khai đã thổi một luồng gió mới vào tư duy sản xuất của người dân. Chương trình với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện. Trong đó, người dân đóng vai trò chủ thể, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình.
Để được công nhận, sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, trên hết là phải đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Sản phẩm phải có tên, bao bì ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo quy định, được niêm yết giá... Điều này đã buộc người sản xuất phải năng động, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn quy định.
|
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, các địa phương, chủ thể đều nhận thấy được lợi ích mà chương trình mang lại. Vì thế, các chủ thể đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, đầu tư chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có chất lượng. Sau 2 kỳ đánh giá, đến nay, toàn tỉnh có 34 sản phẩm được phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm được gắn sao từng bước tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, tạo ra động lực khích lệ những người sản xuất tiếp tục nỗ lực và chú trọng đầu tư để có thể nhiều sản phẩm được công nhận. Hiện tại, có hơn 60 sản phẩm đã được các địa phương đánh giá, lựa chọn và đăng ký để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh thẩm định, đánh giá và công nhận trong đợt cuối năm 2020.
Tư duy thay đổi, khát vọng vươn xa của người dân có thể thấy rõ qua chương trình OCOP ở nhiều địa phương. Chẳng hạn như ở huyện Đăk Hà, trên cơ sở các sản phẩm đặc trưng đã được huyện xác định, gần 2 năm qua, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã chú trọng áp dụng quy trình sản xuất an toàn; xây dựng câu chuyện sản phẩm, tìm mẫu mã, bao bì đẹp để đóng gói, ghi nhãn theo những tiêu chuẩn khắt khe của chương trình nhằm hướng tới mục tiêu được công nhận là sản phẩm OCOP. Trước nhu cầu của người dân, trong năm 2020, huyện Đăk Hà đã tổ chức 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 16 sản phẩm của 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, từ đó, lựa chọn những sản phẩm đủ tiêu chuẩn để đề nghị Hội đồng tỉnh đánh giá, công nhận, gắn sao. Hiện tại, huyện có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3, 4 sao cấp tỉnh và 9 sản phẩm đang chờ được đánh giá.
|
Ông Lương Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã Kiểu mới sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hải Tình (xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Khi tham gia tập huấn và được phổ biến chương trình OCOP, chúng tôi thấy lợi ích rất lớn vì thế, các thành viên của Hợp tác xã quyết tâm thực hiện. Hiện tại, Hợp tác xã đã có sản phẩm cà phê bột được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Qua đó, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng về sản phẩm, giúp hợp tác xã mở rộng hơn thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Theo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, từ năm 2018-2030, các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển 138 sản phẩm đặc trưng. Trong đó, có 108 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 10 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và 14 sản phẩm du lịch…
Để làm được điều này, cùng với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước thì yếu tố quyết định chính là sự quyết tâm, nỗ lực của chính các chủ thể. Song với những gì mà chương trình OCOP đã đạt được thời gian qua, có thể thấy rõ sự nỗ lực và khát vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đang tạo ra những đột phá.
Thiên Hương