Đảm bảo cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường trong mọi tình huống
Dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát và có những diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm giáp Tết. Do đó, để đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu Tết của người dân cũng như ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh, ngành Công thương và các cơ sở kinh doanh, siêu thị đã có những phương án để bình ổn thị trường. Nhờ đó, thị trường hàng hóa vẫn dồi dào, ổn định, không có tình trạng người dân tích trữ hàng hóa như một vài đợt dịch trước.
Tại siêu thị Co.op Mart Kon Tum, các kệ hàng đều đầy ắp các mặt hàng tiêu dùng, từ các mặt hàng thực phẩm tươi đến thực phẩm công nghệ. Thế nhưng, mấy ngày nay, sức mua của người dân có phần chững lại.
Ông Đỗ Nhất Quân- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cho biết: Từ ngày 2/2 đến nay, số lượng người dân đến mua sắm có chút giảm nhẹ so với những ngày trước. Khách đến mua rải rác đều trong cả ngày chứ không dồn nhiều vào những giờ cao điểm như buổi trưa, tối như thường lệ. Tôi nghĩ, do dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhất là khi tỉnh Gia Lai có nhiều ca bệnh khiến người dân trên địa bàn tỉnh có tâm lý e ngại khi đến nơi công cộng, chỗ đông người. Mặt khác, các hoạt động tất niên, tiệc cuối năm cũng dừng tổ chức nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng ít đi. Bên cạnh đó, Siêu thị cũng liên tục tuyên truyền với người tiêu dùng không tích trữ hàng hóa; khuyến khích người dân đặt hàng online, qua điện thoại để hạn chế tập trung đông người.
Ngoài phương án bán hàng bình ổn giá, Siêu thị Co.op Mart cũng đã lên có kế hoạch dự phòng cung ứng nguồn hàng đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Siêu thị sẽ mở cửa bán tới tận trưa 30 Tết và chỉ nghỉ Tết đến hết ngày mùng Ba sau đó lại hoạt động bình thường.
|
Ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công thương cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Công thương có văn bản đề nghị các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, để chủ động ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cũng như đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán của người dân, Sở Công thương phối hợp với Phòng Kinh tế -Hạ tầng các huyện, thành phố triển khai tới các chợ, siêu thị; trung tâm thương mại; các nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai tốt các giải pháp ổn định thị trường.
Theo đó, các địa phương quán triệt với Ban quản lý các chợ để triển khai cho tiểu thương, cửa hàng, đại lý trên địa bàn thực hiện nghiêm việc bán hàng bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, khẩu trang, nước rửa tay, xăng dầu…. không đầu cơ, tích trữ và tăng giá bán. Trong thời gian này, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, nâng giá, găm hàng.
Các siêu thị như Co.op Mart Kon Tum, Vinmart, các cửa hàng của Công ty Cổ phần Thương mại Kon Tum tiếp tục triển khai kế hoạch dự trữ lượng hàng hóa ổn định phục vụ nhu cầu của nhân dân khi nhu cầu sử dụng tăng cao; thực hiện tốt chương trình bán hành bình ổn giá như đã cam kết. Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum và các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng có kế hoạch bán hàng nhằm phục vụ, cung cấp đủ số lượng xăng dầu cho người dân trong thời gian Tết và từng giai đoạn của dịch bệnh.
Cũng theo ông Lê Như Nhất, qua công tác kiểm tra thị trường những ngày qua, Sở Công thương nhận thấy, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh, siêu thị đều tăng. Hiện tại sức mua của người dân vẫn ổn định, giá cả hàng hóa không có biến động gì lớn. Đặc biệt, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn tay khá dồi dào; không có hiện tượng găm hàng, tăng giá bất thường. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường lực lượng quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa trong dịp này và trong suốt thời gian Tết.
Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị kinh doanh hàng hóa, thì trong đợt dịch này, người dân đã thay đổi nhận thức về việc mua sắm hàng hóa khác hẳn thời gian đầu dịch bệnh mới xâm nhập vào nước ta.
Chị Nguyễn Thị Hiền (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi chỉ mua lượng thức ăn đủ dùng trong một vài ngày vì bây giờ, chợ, siêu thị, cửa hàng lúc nào cũng đầy ắp hàng hóa không việc gì phải tích trữ. Tôi nghĩ rằng, trong mọi tình huống chính quyền và các ngành chức năng cũng không để xảy ra thiếu hụt hàng hóa nên không cần phải lo lắng quá. Nếu ai cũng đổ xô đi mua hàng dự trữ thì vô hình chung vừa gây ra bất ổn thị trường, vừa dẫn đến việc tập trung đông người, như vậy càng đáng ngại hơn.
Cùng với các giải pháp ổn định thị trường nội tỉnh, Sở Công thương tăng cường xúc tiến các hoạt động để đảm bảo thông thương hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, không để xảy ra tồn ứ do dịch bệnh.
Thiên Hương