Đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa Tết
Còn chưa đầy 2 tháng là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân trong “mùa cao điểm”, ngành Công thương phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kịp thời triển khai phương án dự trữ, cung ứng, bình ổn giá phục vụ thị trường Tết.
Đã thành quy luật, giá cả hàng hóa những tháng cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng tăng, nhất là mặt hàng tươi sống. Theo dự tính, nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết này sẽ tăng khoảng 15-20% so với các tháng bình thường trong năm.
Do đó, để cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, góp phần kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Chương trình bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán gắn với việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
|
Đến thời điểm này, có 3 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình bình ổn hàng hóa Tết là Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, Siêu thị Vin Mart, Siêu thị Co.op Mart Kon Tum với tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá khoảng 65,66 tỷ đồng. Trong đó, lượng hàng hóa do Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp dự trữ trị giá 12,1 tỷ đồng; Siêu thị Vin Mart dự trữ lượng hàng hóa trị giá khoảng 2,02 tỷ đồng; siêu thị Co.op Mart Kon Tum dự trữ lượng hàng trị giá 51,54 tỷ đồng. Các mặt hàng thực hiện bình ổn là thực phẩm công nghệ (dầu ăn, nước mắm, muối, bột ngọt, hạt nêm, mì tôm, bánh kẹo, sữa các loại), gạo các loại, thịt heo, nước giải khát và thực phẩm chế biến. Các doanh nghiệp cam kết dự trữ đủ nguồn hàng và sẽ chủ động phương án bổ sung khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc tăng giá cục bộ.
Các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn giá bố trí 7 điểm bán hàng cố định. Trong đó, trên địa bàn thành phố có 4 điểm, 3 điểm còn lại tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô và Đăk Hà. Các doanh nghiệp này cũng đã xây dựng phương án bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, không để xảy ra khan hàng, sốt giá, góp phần ổn định thị trường.
Giá bán hàng tại hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sẽ được giữ ổn định và đảm bảo thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 5% tại cùng thời điểm trong suốt thời gian triển khai chương trình từ tháng 12/2020 đến hết tháng 3/2021.
Đến thời điểm này các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021 tương đối đầy đủ cả về chủng loại lẫn số lượng. Các siêu thị đăng ký dự trữ mặt hàng thực phẩm tươi sống đã ký kết hợp đồng với nhà cung ứng, phân phối để đảm bảo đủ lượng hàng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thời gian cao điểm Tết. Do đó, khả năng thiếu hàng, sốt giá dịp Tết sẽ khó xảy ra.
Cùng với các đơn vị tham gia Chương trình bình ổn thị trường Tết, hiện nay lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ truyền thống cũng tăng hơn so với ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Để kiểm soát thị trường hàng hóa, ngành Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch phối hợp tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực tiễn các năm qua cho thấy Chương trình bình ổn thị trường Tết là hoạt động cần thiết, có vai trò quan trọng trong việc định hướng giá hàng hóa thiết yếu, hạn chế và kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, góp phần vào việc ổn định thị trường, giữ vững trật tự trong sản xuất, kinh doanh.
Thiên Hương