Đăk Tô: Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy kinh tế, xã hội
Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, kinh tế - xã hội huyện Đăk Tô tiếp tục đạt được những kết quả đáng mừng. Đây là tiền đề để huyện Đăk Tô quyết tâm triển khai các nhiệm vụ giải pháp trong năm 2022 nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện phát triển nhanh và bền vững.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là năm bản lề cho mục tiêu hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2020-2025 và đây cũng là năm huyện sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022). Vì vậy, huyện Đăk Tô đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm trồng mới 180 ha mắc ca, 150 ha dược liệu, 300 ha cây ăn quả và trồng rừng tập trung 400 ha…Huyện cũng phấn đấu xây dựng được ít nhất 3 vùng trồng cà phê có liên kết sản xuất với diện tích từ 30ha/vùng trồng; có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới, (trong đó có 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao); có khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, (trong đó có 1 khu dân cư được công nhận mới); có từ 3 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh và có 1 sản phẩm nâng hạng lên 4 sao, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân...
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, từ đầu năm, chính quyền huyện Đăk Tô đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất đến từng khu dân cư, đặc biệt vận động nhân dân phát huy những lợi thế, tiềm năng của địa phương, đẩy mạnh các giải pháp đột phá trong sản xuất nông nghiệp nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất tập trung, dồn đổi, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị.
Huyện sẽ quy hoạch các vùng sản xuất theo lợi thế của từng xã, định hướng mỗi xã xây dựng được ít nhất từ 1 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, diện tích lớn phù hợp với Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030. Khuyến khích chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, từng bước hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn.
Song song với đó, huyện Đăk Tô tập trung chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, phục hồi, cải tạo rừng. Rà soát diện tích đất lâm nghiệp còn trống, thu hồi các diện tích rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng. Đồng thời, huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, để phát triển kinh tế bền vững, cùng với phát huy lợi thế về phát triển nông nghiệp, Đăk Tô sẽ tập trung đầu tư phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế về nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên của huyện và trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo yêu cầu về môi trường. Ưu tiên hỗ trợ phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, phát triển mạnh công nghiệp nông thôn theo hướng khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết lao động nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân.
|
|
Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi thu hút các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng liên kết tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa như trồng rừng, trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây ăn quả; chế biến nông, lâm sản như cao su, cà phê; sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, công nghiệp chế tạo, lắp ráp máy; điện gió, điện mặt trời. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại Cụm công nghiệp phía tây thị trấn...
Đặc biệt, chính quyền huyện Đăk Tô cam kết, chủ động kết nối, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các ngành Trung ương và tỉnh, cơ quan tư vấn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn huyện. Đẩy mạnh phát triển mạnh du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của huyện, đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đầu tư tuyến, điểm đưa vào kinh doanh có hiệu quả…
Theo ông Đặng Hoàng Nam-Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, để hoàn thành mục tiêu của năm 2022, huyện sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; tăng cường sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm. Triển khai xây dựng được các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế có sẵn…nhằm thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững.
Hà Nam