Đăk Tô: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30/6/2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, huyện Đăk Tô đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Xác định rõ tình hình thực tiễn của địa phương, trong quá trình triển khai Nghị quyết, huyện Đăk Tô chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Ông Tưởng Văn Khanh - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Với đặc thù địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc vận động, hỗ trợ bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả nhanh nhất. Qua tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, hiện nay, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất. Bà con sử dụng giống mới năng suất cao, chất lượng tốt; đầu tư thâm canh tăng năng suất, tích cực tham gia các lớp học nghề nông nghiệp, tập trung vào nghề trồng, chăm sóc cà phê, khai thác mủ cao su... Nhiều diện tích cây trồng đã được nông dân đầu tư hệ thống tưới bét, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất; một số diện tích cây ăn quả, chanh dây sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học… mang lại thu nhập cao.
Đơn cử như 206 hộ nông dân trên địa bàn 2 xã Đăk Trăm và Văn Lem, nhờ tích cực tham gia chương trình phát triển cà phê vối đã trồng được 72,05ha các loại giống có năng suất cao như: TR4, TR9, TRS1... có thu nhập bình quân từ 60-90 triệu đồng/ha/năm. Ông A Tuân - hộ dân trồng cà phê vối ở Đăk Trăm (xã Đăk Trăm) cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng mì mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Nhờ được hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống, gia đình chuyển sang trồng cà phê vối cho năng suất cao, bình quân đạt từ 10-15 tấn quả tươi/ha, thu nhập bình quân đạt gần trăm triệu một ha. Cũng nhờ vậy mà gia đình khấm khá hơn, đời sống nâng cao.
|
Cùng với đó huyện triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, mô hình chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là các xã vùng đồng bào DTTS, nhằm giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện đang áp dụng nhiều đề tài khoa học công nghệ, mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả cao như: sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”; đề án phát triển cao su tiểu điền; mô hình thử nghiệm giống lúa, giống mì mới; mô hình lai tạo đàn bò địa phương; mô hình thử nghiệm trồng nha đam...
Cũng theo ông Khanh, từ các mô hình này, bà con nông dân được chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận phương pháp để áp dụng vào sản xuất của gia đình, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị bình quân sản phẩm thu được trên 1ha hiện nay là 80,5 triệu đồng.
Điều đáng mừng là trên địa bàn huyện Đăk Tô hiện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như cao su, cà phê, mì; một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, bền vững đã và đang được nông dân đầu tư và bước đầu có kết quả như trồng cây mắc ca ở xã Kon Đào; cây ăn quả, chuối xuất khẩu ở thị trấn Đăk Tô và xã Diên Bình...
Đặc biệt, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã định hướng hình thành mỗi xã, thị trấn 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu sử dụng giống mới, năng suất cao, thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc, bón phân và thu hoạch. Trong đó, địa bàn các xã Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào và thị trấn Đăk Tô định hướng phát triển vùng cà phê chất lượng cao, an toàn thực phẩm kết hợp với trồng xem ghép cây ăn quả các loại; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất rau tập trung tại các xã Diên Bình, Tân Cảnh, Đăk Trăm và thị trấn Đăk Tô. Trên địa bàn huyện đã hình thành 4 cánh đồng lớn sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn các xã Diên Bình, Tân Cảnh, Ngọk Tụ và thị trấn Đăk Tô. Các xã còn lại hình thành được 8 cánh đồng đạt tiêu chí về diện tích cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, giống mới và áp dụng 1 quy trình sản xuất đồng nhất.
Qua hơn 4 năm chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuyển dịch từ phương thức canh tác nhỏ lẻ sang hướng cánh đồng lớn; lựa chọn cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng khí hậu. Người dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Phúc Nguyên