Đăk Hà: Nỗi lo mùa thu hái cà phê
Thời điểm hiện tại, vựa cà phê Đăk Hà đã bắt đầu vào vụ thu hái sản phẩm. Tuy nhiên trái ngược với không khí rộn ràng những ngày vào mùa các năm trước, năm nay, người trồng cà phê trên địa bàn huyện đang bước vào mùa thu hái với nhiều nỗi lo.
Dù trái cà phê chưa đạt tỷ lệ quả chín, song gia đình anh A Đức (thôn Đăk Vét, xã Đăk Pxi) đã phải huy động bà con, anh em đến thu hái cà phê giúp gia đình để chạy lũ. Anh cho biết, những ngày qua, do ảnh hưởng mưa bão, mực nước tại sông Đăk Pxi dâng cao đã làm gần 600 cây cà phê của gia đình bị ngập úng cục bộ và bắt đầu xuất hiện tình trạng trái rụng. Việc thu hái sớm, dù biết là không đạt sản lượng và chất lượng nhưng vẫn là giải pháp duy nhất của gia đình để phòng việc mất trắng nếu tình trạng mưa bão tiếp tục kéo dài và mực nước tại sông Đăk Pxi dâng cao như những ngày mưa lũ vừa qua.
Không chỉ các hộ nông dân có diện tích nằm trên lưu vực các sông suối lớn, nhiều hộ gia đình khác cũng tổ chức hái sớm do thời gian vừa qua, ảnh hưởng của việc thời tiết thất thường, cộng với nhiều cơn bão liên tục trong thời gian ngắn vừa qua đã gây ra hiện tượng rụng trái hàng loạt ở nhiều địa phương. Việc thu hái, dẫu biết rằng chưa đạt năng suất, chất lượng nhưng với quan niệm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hái kịp thời vẫn hơn để vốn liếng đầu tư cả năm của gia đình bị mưa lũ cuốn.
|
Bên cạnh nỗi lo về năng suất, sản lượng tụt giảm do ảnh hưởng của thời tiết, một yếu tố khác cũng làm nhiều người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà lo lắng là nhân công thu hái cà phê vào thời gian cao điểm của mùa vụ.
Ông Nguyễn Quang Tuyên tại thôn 2, xã Hà Mòn cho biết: Nếu như các năm trước, việc luân chuyển, bố trí nguồn lao động dôi dư tại chỗ từ các xã Ngọc Wang, Đăk Ui, Ngọk Réo, Đăk La… tới các vùng chuyên canh cà phê của huyện như Đăk Mar, Hà Mòn, thị trấn Đăk Hà được thực hiện hiệu quả, góp phần giải quyết tốt tình trạng thiếu lao động cục bộ, thì năm nay lại khó thực hiện. Một phần nguyên nhân là lực lượng lao động tại các xã trên không đáp ứng được yêu cầu lao động cùng một lúc, một phần vì hầu hết những lao động này trong quá trình thu hoạch chủ yếu chạy theo số lượng dẫn đến tình trạng bẻ cành, hái dối, không đảm bảo việc giữ vườn cây cho những năm tiếp theo.
Để giải quyết vấn đề thiếu lao động cục bộ vào thời gian cao điểm thu hái cà phê, các chủ lô, rẫy tại huyện Đăk Hà chuyển sang ưu tiên sử dụng lực lượng lao động từ các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam… tới địa phương thu hái cà phê. Song lượng lao động này cũng không nhiều như mọi năm.
Ngoài những nỗi lo thường trực vào mùa thu hái, việc chi phí đầu tư vào sản xuất vẫn tăng đều đặn qua các năm, trong khi mức giá cà phê hiện tại trên thị trường không thấy dấu hiệu khả quan. Nhiều người trồng cà phê đang bước vào một vụ mùa thu hái với tâm lý không mấy vui vẻ khi mà lợi nhuận thu được không đáng là bao. Giải pháp được lựa chọn nhiều năm nay là phơi, xay trữ nhân chờ được giá thì mới bán. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản chi phí đầu tư từ đầu năm đến khi thu hái phải nằm im gánh lãi.
Được xác định là loại cây công nghiệp chủ lực, có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đăk Hà, song với những diễn biến tiêu cực của thời tiết, của giá cả thị trường và nhiều yếu tố khác…, thì những nỗi lo thường trực của người nông dân quanh năm gắn bó với cây cà phê suốt nhiều năm trở lại đây chưa biết khi nào mới chấm dứt.
Trọng Nghĩa