Đăk Hà: Người trồng cà phê lo thất thu vì nắng hạn kéo dài
Nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn khiến cho người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà không chỉ phải tốn kém, vất vả mà còn thấp thỏm lo lắng về năng suất của vụ cà phê này.
Ông Ngô Hồng Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Thông thường mọi năm, vào đầu tháng 5 là thời tiết có mưa, người trồng cà phê đã cất máy bơm, tranh thủ các đợt mưa để bón phân. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn kéo dài, mưa ít nên người dân phải tất bật vét nước từ tất cả các nguồn để tưới cho cà phê, bởi thời điểm này, nếu thiếu nước tưới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cà phê.
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (thôn 2, xã Đăk Mar) có 186ha cà phê kinh doanh. Thông thường, mỗi mùa tưới, người trồng cà phê chỉ phải tưới khoảng 3 đợt, năm nào hạn nhiều mới tưới đến đợt thứ 4, nhưng năm nay đến thời điểm này đã tưới đến đợt thứ 5.
Anh Phạm Xuân Bé – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar tính toán: Mỗi đợt tưới, trung bình mỗi héc ta cà phê, phải tốn khoảng 3 triệu đồng bao gồm tiền công và dầu, đó là chưa kể gia đình nào mà không có máy bơm phải thuê sẽ tốn thêm một khoản nữa. Với 186ha cà phê hiện có, các thành viên Hợp tác xã tốn thêm một khoản không nhỏ trong chi phí đầu tư của vụ này, nhưng cũng đành phải chấp nhận, vì nếu không cung cấp đầy đủ nước tưới thì đến khoảng tháng 7, tháng 8, vườn cây sẽ rụng quả, hạt nhỏ, giảm năng suất .
|
Theo anh Phạm Xuân Bé, Hợp tác xã của anh vẫn may mắn là toàn bộ diện tích cà phê đều nằm trong khu vực có nguồn nước đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu bơm tưới. Hiện tại, trên địa bàn huyện Đăk Hà, ở nhiều khu vực nguồn nước tưới đã cạn kiệt, người dân phải vận chuyển nước kiểu “tăng bo” từ sông về ao, hồ rồi mới bơm tưới cho vườn cây khiến cho chi phí đội lên nhiều.
Anh Vũ Ngọc Hà (thôn Tân Lập, xã Đăk Hring) chia sẻ: Gia đình tôi có tổng cộng 10ha cà phê, cách đây 1 tuần đã phải tưới đợt thứ 6. Vì nguồn nước từ hồ cạn kiệt nên 2 đợt tưới gần đây nhất tôi phải đặt bơm đưa nước từ ngoài sông vào hồ rồi mới tiếp tục bơm tưới. Tính trung bình, mỗi đợt tưới tôi phải tốn thêm khoảng 4 – 5 triệu/ 1ha cà phê và chưa biết đã có thể “cất máy bơm” được hay chưa. Với chi phí tăng, giá cà phê vẫn thấp như hiện nay thì người trồng cà phê sẽ thất thu.
Cũng theo ông Ngô Hồng Hưng, trên địa bàn huyện có nhiều công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu như công trình thủy lợi Đăk Uy, Kon Trang Kla và một số đập thủy lợi khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số công trình thủy lợi không đảm bảo được nguồn nước dự trữ để phục vụ nhu cầu tưới của người dân. Người dân đang phải tìm kiếm, tận dụng mọi nguồn nước có thể để tưới cho cây trồng.
Để hạn chế những thiệt hại do nắng hạn gây ra đối với cây cà phê, hiện nay ngành Nông nghiệp huyện Đăk Hà phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường quản lý, điều tiết nguồn nước một cách hợp lý và triển khai hình thức tưới luân phiên. Đồng thời, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tưới nước tiết kiệm, tránh lãng phí, cố gắng đảm bảo đủ nước tưới cho vụ cà phê này.
Hoàng Thanh